Multimedia Đọc Báo in

Chạn bát - ký ức một thời

14:30, 23/06/2021

Trong mỗi gia đình người Việt, nhất là ở các vùng nông thôn, hầu như đều có một cái chạn bát (tên gọi ở miền Bắc), tủ bếp (tên gọi ở miền Nam). Theo các tư liệu để lại, vật dụng thân thuộc này xuất hiện ở nước ta từ thời thuộc Pháp nên còn được Việt hóa thành tên là Gạc-măng-rê (garde-manger).

Chạn bát là đồ nội thất bằng gỗ rất tiện dụng, được đặt trong nhà bếp hay một góc nào đấy trong nhà mà dễ dàng sử dụng nhất. Chạn bát dùng để cất trữ thực phẩm, gia vị, dụng cụ nhà bếp… Chạn bát thường được thiết kế thành một dạng tủ kệ chia nhiều tầng, nhiều ngăn. Tầng, ngăn trên để chén đĩa, tiếp theo để xoong nồi, tầng dưới cùng thường để gia vị ( mắm, muối, đường, tiêu, ớt).

Chạn bát hình trụ chữ nhật đứng, có bốn chân nhô cao khỏi mặt đất nhằm tránh ẩm ướt và các loại côn trùng. Người ta còn cẩn thận đặt chén nước dưới chân chạn hoặc quấn quanh chân chạn băng vải đã thấm dầu hôi để ngừa các loại côn trùng như kiến, gián xâm nhập làm hỏng thức ăn.

Ngày trước nhà tôi cũng có một cái chạn bát đã cũ - thừa hưởng từ một người bà con khi họ đóng một cái tủ mới bằng gỗ hiện đại hơn. Có cái chạn bát, góc bếp gọn gàng, sạch sẽ, thoáng rộng hẳn lên. Dụng cụ làm bếp cũng được đặt để ngăn nắp hơn. Mỗi khi cần lấy gia vị hay chén đĩa, mẹ cũng không còn vất vả đi tìm.

   Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Góc bếp có cái chạn bát từ đó đã trở thành nơi thân thuộc của chúng tôi. Đi học về hay sau một buổi chăn bò, cắt cỏ, vừa bước chân vào nhà thì việc đầu tiên là vục gáo dừa xuống chum nước đặt chỗ liếp tranh nhà bếp tu một hồi rồi lật đật chạy lại mở cửa chạn, dù có khi tẽn tò, hụt hẫng vì trong ấy không có chút gì bỏ bụng cho vơi cơn đói. Thường trong chạn mẹ hay để dành cho chúng tôi khi thì đĩa khoai lang, vài củ sắn, khi thì trái cây vườn vừa chín rụng, hay một chiếc bánh ngọt, vài viên kẹo đủ sắc màu… Cũng có lần mở cửa chạn, giở hết mấy vung chỉ còn sót lại một miếng cháy dính đáy nồi. Nhưng đấy là “món quà” quý nhất, đúng lúc nhất mà chúng tôi được tận hưởng. Cơm cháy chan tí nước cá mặn mặn thì còn gì bằng.

Nhớ về ngày xưa, những kỷ niệm tuổi thơ không bao giờ quên là nhớ về chạn bát, vật dụng cần thiết cho mỗi góc bếp trong ngôi nhà ở nông thôn. Ngoài ra, nhớ về chạn bát cũng là lúc lòng tôi rưng rưng nghĩ về một thời còn thiếu thốn nhưng cha mẹ đã dành hết tình yêu cho con cái, sẵn sàng “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”.

Ngày nay, cái chạn bát dần dần bị thay thế bởi các loại vật dụng hiện đại và tiện ích hơn. Trong góc bếp mỗi nhà không còn chạn bát bằng gỗ tạp, bằng tre mà hiện hữu một cách sang trọng là tủ nhôm, tủ lạnh và tủ bếp bằng gỗ đánh bóng không còn đặt dưới đất mà treo lên vách, phía trên dàn bếp gas. Tuy nhiên, dù có đổi thay, hiện đại bao nhiêu, dù chạn bát có bị bỏ đi thì có một điều không thể phủ nhận, chạn bát là chứng nhân cho một thời đầy kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ bởi cái mùi rất riêng, khó trộn lẫn. Đấy là mùi của gỗ cũ ám khói và ngấm gia vị, thức ăn hay nghĩ sâu xa là gia vị của cuộc đời.

Sơn Trần

 


Xem thêm

Hồn quê trong dư vị
14:53, 19/06/2021
Mùi năm tháng…
14:32, 28/05/2021
Mùa sen gợi nhớ...
16:57, 25/05/2021
Sơn nữ hoa
09:15, 25/05/2021
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.