Nâng cấp card đồ họa cho máy tính
Chọn card đồ họa tốt nhất để nâng cấp cho chiếc máy tính để bàn cũ kỹ của bạn là một vấn đề khó khăn. Nếu không có sự thích hợp giữa bộ vi xử lý (CPU) và card màn hình, việc xử lý các thông tin hình ảnh (video, game) trên máy tính sẽ không hoàn hảo.
1. Lựa chọn card đồ họa
Nền tảng đồ họa cũng là một mối quan tâm. Một số card đồ họa mới hơn, chẳng hạn như dòng Radeon HD 6900 của AMD, có thiết kế khá dài, và có thể không phù hợp với một số máy tính nhất định, cụ thể là các máy tính để bàn có một bộ vỏ hẹp về chiều dài. Do đó card đồ họa tầm trung sẽ trở thành lựa chọn thích hợp.
Vấn đề tiếp theo là cần xem xét khả năng cung cấp điện của bộ nguồn máy tính. Nếu đang chạy một bộ nguồn có công suất 900W, bạn có thể nâng cấp bất kỳ card đồ họa mong muốn, nhưng nếu bạn đang chạy một nguồn cung công suất yếu, chỉ với 500W hoặc 600W chẳng hạn, thì các tùy chọn card đồ họa của bạn sẽ bị hạn chế hơn. Một số card đồ họa cao cấp tiêu thụ một lượng điện đáng kể lúc máy tính khởi động cũng như lúc sử dụng.
Tuy nhiên, ngay cả khi bị các điều kiện ràng buộc như vậy, sự lựa chọn card đồ họa của bạn vẫn là rất nhiều. Bạn có thể lựa chọn một số card tầm trung đời mới, có thể cung cấp hiệu suất ấn tượng đặc biệt trên màn hình LCD chạy ở độ phân giải 1920x1080 pixel rất phổ biến hiện nay. Với gần 200 USD, bạn có thể lựa chọn ATI Radeon HD 6870. Với 250 USD đến 270 USD, bạn có thể chọn Nvidia GeForce GTX 560 Ti. Cả hai card đồ họa trên đều hỗ trợ HD 1080p. Cuối cùng, tùy thuộc vào túi tiền mà bạn có thể lựa chọn một card đồ họa tương xứng. Trong ví dụ này, chúng ta sẽ chọn card GTX 560 Ti của Asus có tên là Asus GTX 560 Ti DirectCU II, hiện nay có giá bán khoảng 250 USD đến 270 USD, có nhiều cải tiến về hiệu năng.
2. Nâng cấp card đồ họa
Trước khi gắn card đồ họa vào máy tính, bạn cần chú ý các vấn đề sau:
- Trước khi mua card đồ họa, bạn cần bảo đảm máy tính sẽ cung cấp đủ nguồn điện theo yêu cầu của nhà sản xuất. Ví dụ nếu máy tính có một bộ nguồn 750W thì bạn có thể an tâm gắn card Asus GTX 560 Ti DirectCU II. Kiểm tra thông số kỹ thuật của nhà sản xuất cho các yêu cầu năng lượng tối thiểu trước khi bạn gắn card.
- Bảo đảm rằng thùng máy vẫn còn đủ không gian để gắn card đồ họa mới. Các card đồ họa ngày nay thường dài hơn so với các thế hệ trước, do đó, các thùng máy đời cũ có thể sẽ không đủ không gian để gắn chúng.
- Tải về các driver mới nhất cho card đồ họa từ website của nhà sản xuất, bạn không nên cài đặt driver từ đĩa CD kèm theo bởi vì có thể chúng đã khá cũ.
- Gỡ bỏ driver của card đồ họa cũ cho dù bạn có nâng cấp lên cùng một GPU của một hãng nào đó.
- Tắt nguồn cho máy tính trong quá trình tháo lắp.
- Gỡ bỏ bất kỳ dây kết nối ra khỏi card đồ họa cũ, đồng thời loại bỏ các con ốc kết nối dùng để cố định card cũ vào thùng máy.
- Hầu hết các board mạch chủ đều có một chốt giúp khóa card đồ họa một cách an toàn vào khe của nó.
Bạn có thể tìm thấy nó dễ dàng và dùng một tay kéo chốt này xuống (hoặc sang một bên) trong khi tay kia gỡ card đồ họa cũ ra.
- Tiến hành gắn card đồ họa mới vào khe PCI Express của bo mạch chủ. Nếu thấy khó khăn khi nhấn chúng xuống, bạn cần kiểm tra lại các khung trượt kết nối, xem chúng đã khớp với nhau chưa. Sau khi gắn xong, bạn kết nối các cáp truyền tín hiệu ra màn hình.
- Sau cùng, kiểm tra lại để xác nhận rằng bạn đã gắn dây nguồn cho card đồ họa. Ngoài ra, kiểm tra lại để xác nhận rằng không có các dây điện nào chạm vào quạt làm mát của card đồ họa.
- Bật nguồn cho máy tính, nghe lại xem quạt làm mát có phát ra tiếng kêu bất thường do chạm phải các dây điện hay không, sau đó tiến hành cài driver mới nhất cho card đồ họa.
Theo LBVMVT
Ý kiến bạn đọc