Multimedia Đọc Báo in

Tam Thanh xứ Lạng

16:20, 29/05/2010
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
(Ca dao)

Động Tam Thanh nằm ở phường Tam Thanh, phía tây phố Kỳ Lừa thuộc thành phố Lạng Sơn. Tam Thanh là quần thể ba động đá: Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh. Động Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Tam Thanh được mệnh danh là “Đệ nhất bát cảnh” xứ Lạng.
Động Nhất Thanh dài 60m, rộng chừng 30m, bên trong thờ Phật, lại có tượng Ngô Thời Sĩ là một văn gia nổi tiếng đời Lê. Ông là người làng Tả Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ), đỗ tiến sĩ năm 41 tuổi đời Lê Hiển Tông (1766) làm quan đến chức đốc trấn Lạng Sơn. Ông là người giản dị, liêm khiết, hay làm những điều hữu ích nên khi  mất được nhân dân địa phương tạc tượng thờ.
Động Nhị Thanh được chính Ngô Thời Sĩ phát hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Động không rộng nhưng rất sâu, đi suốt từ bên này núi sang bên kia núi dài đến 500m. Vì vậy, trong hang tối om, khách vào thăm hang phải dùng đèn, đuốc thì mới xem được những nhũ đá long lanh muôn hình, muôn vẻ. Chạy dọc theo động là dòng suối Ngọc Tuyên nước xanh biêng biếc, phần đọng lại trước cửa động tạo thành ao Nhất Bình thơ mộng. Ở giữa hang có một khoảng đất rộng gọi là “sân khấu”, có ánh sáng từ cửa Thông Thiên rọi chiến trông thật huyền ảo. Tại đây, ngày xưa Ngô Thời Sĩ từng tổ chức những chương trình thơ ca, đàn hát, bàn luận văn chương, thi phú… Ngay ở vòm cửa động còn lưu giữ một bức họa vẽ Ngô Thời Sĩ uy nghi. Trong động còn có 20 văn bia tạc trực tiếp vào vách đá ghi lại nhiều tư liệu quý giá, cũng là lưu bút của các bậc danh nho có dịp ghé thăm.
Ngoài ra, trong động Nhị Thanh còn có chùa Tam giáo do Ngô Thời Sĩ tôn tạo năm 1799 để thờ ba vị Khổng Tử, Phật Thích Ca và Lão Tử.

Chùa động Tam Thanh (Lạng Sơn).
Chùa động Tam Thanh (Lạng Sơn).

Chếch về hướng bắc là động Tam Thanh nằm ở lưng chừng núi. Cửa hang cao khoảng 8m nhìn về hướng động, có lối đi lên bằng 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh sáng. Động Tam Thanh chỉ sâu chừng 50m, còn trần thì cao đến 10m, tuy không sâu bằng động Nhị Thanh, nhưng bên trong Tam Thanh rất rộng và thoáng mát.
Ở ngay bên ngoài cửa động Tam Thanh là một ngôi chùa nhỏ hấp dẫn du khách vì vẻ độc đáo của nó. Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí”,  chùa Tam Thanh có từ thời nhà Lê, thuộc địa phận xã Vĩnh Trãi, châu Thoát Lãng. Chùa có tượng Phật A Di Đà lớn, tạc nổi vào vách đá từ thế kỷ XV. Pho tượng này mang phong cách nghệ thuật thời Lê – Mạc (thế kỷ XVI-XVII) tạc theo thế đứng trong hình một lá bồ đề. Tượng cao 202 cm, rộng 65cm, áo cà sa buông xuống tận gót, hai tay chỉ xuống đất theo thế ấn cam lộ.
Trong động chùa còn lưu lại hệ thống văn bia khá phong phú của các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, tấm bia số 4 có niên đại cổ nhất (bia Ma Nhai) được tạc vào thời Lê Vĩnh Trị năm thứ 2 (1677), ghi  lại các chi tiết việc xây dựng, tôn tạo chùa. Bia có thơ quan đốc trấn Ngô Thời Sĩ khắc năm Kỷ Hợi (1777) ca ngợi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của động Tam Thanh. Chùa Tam Thanh là một trong “Trấn doanh bát cảnh” của xứ Lạng và đã được Nhà nước ta xếp hạng di tích năm 1962.
Từ cửa động Tam Thanh đi sâu vào bên trong đến khu vực bằng phẳng, rộng rãi sẽ có hai cửa thông thiên, ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào lòng động làm cho các nhũ đá ngời lên đẹp lạ thường. Đặc biệt ở trung tâm động có hồ Âm Ti không bao giờ cạn nước. Hồ chỉ rộng có vài chục mét vuông nhưng cảnh quan tuyệt đẹp, có nguồn nước dồi dào chảy suốt ngày đêm.
Đi hết cửa thông thiên là  đến lầu Võng Thị. Từ đây nhìn chếch về hướng đông Bắc sẽ nhìn thấy núi Vọng Phu – nàng Tô Thị và thành nhà Mạc cổ kính, rêu phong hay sông Kỳ Cùng thướt tha dải lụa.
Có thể nói, du khách ngày nay đến xứ Lạng không thể  không đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tam Thanh, núi Tô Thị, chùa Tiên, chợ Kỳ Lừa… Vào dịp đầu xuân, du khách còn được mời tham dự lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng), được thưởng thức các mon ăn địa phương như vịt quay, phở chua, chè lam, bánh chưng than, bánh ngãi… vừa ngon, vừa lạ miệng.

 

Nguyễn Nhân Thống

 


Ý kiến bạn đọc