Về Cà Roòng xem lễ hội đập trống
Đến hẹn lại lên, vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch, người Ma Coong ở giữa đại ngàn Trường Sơn lại tưng bừng trong ngày hội dân gian đặc sắc của mình, đó là lễ hội đập trống mừng mùa trăng mới. Lễ hội mang đầy tính tâm linh không chỉ của riêng người Ma Coong mà còn là ngày hội của các dân tộc như: Arem, Vân Kiều ở miền Tây Quảng Bình.
Không biết từ đời nào người Ma Coong đã có hội đập trống này, chỉ biết qua câu chuyện được người già kể cho con cháu nghe là ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác mầu vàng, từ đó người Ma Coong liên tục mất mùa, đau ốm. Dân làng quyết tâm phải đuổi con khỉ ác này đi bằng cách khua trống đánh chiêng. Tiếng trống tiếng chiêng của cộng đồng người Ma Coong cùng với sự giúp đỡ của Giàng đã làm khỉ ác khiếp đãm bỏ chạy, rời xa vùng đất này. Sự bình yên, no ấm lại về với bản làng và lễ hội đập trống của người Ma Coong cũng bắt đầu từ đó.
Người dân trong bản Cà Roòng Chuẩn bị trống cho lễ hội |
Mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản. Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky. Vào khoảng tháng 5 dân bản ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý nghiêm ngặt nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng, khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra.
Dân làng chuẩn bị mâm cỗ để tế lễ |
Khi hoàng hôn buông xuống, bà con 18 bản men theo những con đường mòn về đây dâng lễ, người Ma Coong ở nước bạn Lào cũng sang tham gia lễ hội. Già làng làm lễ tế cúng trời đất, Giàng mặt trời mọc, cúng Giàng mặt trời lặn mong sao năm nay mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, mọi người khoẻ mạnh. Sau lễ tế, già làng khai cuộc đánh chiêng đánh trống và thế là hội đập trống được bắt đầu. Ai cũng háo hức đánh hết sức vào trống để cho tiếng trống vang càng xa. Tiếng trống, tiếng chiêng cứ vang mãi làm lay động cả núi rừng. Khi ánh trăng núi rừng đã quá đỉnh đầu, âm thanh tiếng trống càng giục giã sôi động thì đúng lúc ấy các đôi bạn tình lại tìm đến nhau hò hẹn bên dòng suối Aky. Và sau mùa lễ hội không biết bao nhiêu đôi bạn tình lại nên vợ nên chồng để cho bản làng của người Ma Coong ngày càng thêm đông đúc.
Cùng nhau đánh trống hội |
Lễ hội đập trống của người Ma Coong là lễ hội mang đậm bản sắc của các dân tộc miền Tây Quảng Bình, nó trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn, giúp cộng đồng người nơi đây đoàn kết, vượt mọi khó khăn thử thách. Được biết, năm 2007 lễ hội này đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách chín lễ hội dân gian quốc gia được phục hồi.
Ý kiến bạn đọc