Multimedia Đọc Báo in

Biển Hồ - nơi tương ngộ giữa thực và ảo

14:30, 02/07/2010
Đến bây giờ, Biển Hồ (Pleiku, Gia Lai) là thắng cảnh vẫn còn khoác vẻ nguyên sơ của núi đồi. Dường như tạo hóa chưa cho phép bàn tay con người chạm vào báu vật nên dù ở một vị trí cách không xa thành phố với những tất bật xô bồ mà Biển Hồ vẫn thâm u tĩnh lặng. Chốn non nước hữu tình, đất trời giao cảm này đã làm say mê lòng người và là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca.
Biển Hồ - Pleiku. Ảnh T.L
Biển Hồ - Pleiku. Ảnh T.L

Biển Hồ hay còn gọi là hồ Ia Nueng, hồ Tơ Nuêng là một trong những danh thắng nổi tiếng của vùng Tây Nguyên. Du khách mỗi khi dừng chân ở Pleiku thường không bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng “Đôi mắt Pleiku” và lắng nghe những huyền thoại được lưu truyền về Biển Hồ.
Chuyện kể rằng: Ia Nueng là một bến nước chung của dân làng. Một hôm Yă Pôm rủ Yă Chao đi múc nước ở bến thấy một con lợn trắng. Yă Chao đưa về nuôi. Thật lạ, con lợn trắng chỉ ăn cát và lớn nhanh như thổi. Thế rồi trong lễ ăn mừng nhà rông lũ làng đã mổ thịt con lợn trắng. Khi đem phần thịt cho bếp Yă Chao, bà không nhận và thề nếu ăn thịt thì đất sẽ động, Ia Nueng sẽ sụp đổ. Nhưng cháu của Yă Chao thì đòi ăn quấy khóc. Vì quá thương cháu bà đem miếng thịt nhỏ nướng cho cháu ăn. Yă Chao không giữ đúng lời thề khiến Giàng nổi giận. Đất động, núi rừng rung chuyển, Ia Nueng sụp đổ vùi xuống đáy tất cả buôn làng.
Liên quan đến Biển Hồ cũng còn một câu chuyên khác. Tơ Nuêng là một bản làng phong phú tươi đẹp với những vũ điệu và rộn rã tiếng cồng chiêng suốt ngày đêm. Một hôm dân làng đang vui say trong lễ hội thì bỗng dưng núi lửa ập đến lấp làng. Những người sống sót khóc thương mãi không thôi. Nước mắt họ chảy thành suối đổ về làng mà thành hồ!
Hai câu chuyện, hai huyền thoại  khác nhau nhưng lại gắn liền với sự hủy diệt bi   tráng đau thương của dân làng để lý giải cho sự xuất hiện của một  biển hồ trên núi. Ở độ cao gần 1.000m mà có biển thì là một sự lạ. Cái bất biến trong cách lý giải phản ánh ý thức hệ tộc, ý thức sinh tồn của cộng đồng người J’rai rất rõ khiến không ít người tin rằng dưới lòng hồ sâu thẳm là nấm mồ lớn của buôn làng. Trong tâm thức người J’rai, mỗi giọt nước trong lòng hồ đều thấm linh hồn người xấu số và đêm đêm dưới đáy hồ thăm thẳm hun hút tiếng đồng vọng của ngàn xưa dội về.
Biển Hồ quả là nơi tương ngộ giữa thực và ảo. Cái thực lại tồn tại trong lòng tín ngưỡng của người bản địa vốn dĩ thờ tôn giáo đa thần. Hiện tượng núi lửa cũng được giải thích là sự nổi giận của thần núi. Sự xuất hiện của biển trên núi thực tế là quá trình phun trào của núi lửa và Biển Hồ là miệng của một núi lửa đã ngưng hoạt động hàng trăm triệu năm. Sự tương ngộ đã tạo cho Biển Hồ một vẻ đẹp lung linh kì bí, khơi gợi óc tưởng tượng và cả ý tưởng khám phá của những ai từng một lần đặt chân đến nơi này.
Nằm ở địa thế vùng đồi vây quanh nhiều miệng núi lửa giăng trải khắp miền cao nguyên, Biển Hồ là miệng núi lửa âm sâu dưới lòng đất án ngữ phía bắc thành phố Pleiku. Trên cao nhìn bao quát toàn cảnh Biển Hồ có hình bầu dục, nước xanh biếc đong đầy như tấm lòng người phụ nữ rộng lượng bao dung. Cũng từ độ cao đó, phóng tầm mắt nhìn về hướng nam dáng núi Hàm Rồng như tấm lưng lực lưỡng của người đàn ông vươn mình làm bình phong chắn che bão tố. Hàm Rồng là núi lửa dương trồi trên mặt đất đối xứng tương hợp với Biển Hồ thể hiện ý nguyện  non nước trùng phùng của đất trời. Và,  nhờ thế người Pleiku vốn bao đời được nuôi dưỡng trong dòng nước ngọt ngào thơm thảo của người mẹ Biển Hồ và lớn lên trong sự che chở bao bọc ân tình của người cha là một vị thần núi. Người ta bảo con gái J’rai có đôi mắt đẹp sâu thẳm mơ mộng là nhờ soi bóng nước biển hồ. Con trai J’rai thường đi về hướng núi nên có thân hình  mạnh mẽ cường tráng.
Đến Biển Hồ bất cứ mùa nào ta cũng cảm nhận màu nước xanh biếc. Rất lạ, mực nước quanh năm bao giờ cũng vậy: ăm ắp, tràn đầy, trong trẻo. Mưa không dâng, nắng không cạn. Hình như trong nước ẩn chứa linh hồn tâm tính của đồng bào J’rai hồn nhiên chân chất như núi đồi cây cỏ lòng dạ chẳng bao giờ đổi thay.
Như đôi mắt hút hồn của người con gái, vẻ đẹp của Biển Hồ có một sức mê hoặc lòng người. Cảnh không chỉ dừng ở vẻ liêu sơ hoang vắng, ở sự trôi chảy miên man của nước trải rộng đôi bờ hay kín đáo lững lờ nép mình trong góc khuất, xốn xang quanh những đường cong dưới chân đồi. Vẻ đẹp còn được cảm bởi cái tâm, cái tình  của những kẻ đi tìm cái đẹp, thưởng thức cái đẹp đúng nghĩa bằng đôi mắt, tâm hồn và trái tim đa cảm của mình.
Hầu như dừng lại ở bất kỳ góc nhìn nào vào bất kỳ thời điểm nào của ngày hay đêm ta đều nhận ra một chân lý: Biển Hồ thật đẹp. Đẹp trong cảnh sắc ban mai sương bàng bạc, nước bàng bạc, cả sắc trời bàng bạc. Trong ánh chiều tà bảng lảng, hoàng hôn vàng úa phủ bóng đồi thông, lòng hồ  làm cho sắc vàng pha màu nước. Những đêm trăng ngàn, ánh trăng rọi những vệt đốm trên mặt hồ lung linh rợn ngợp. Bức tranh thủy mặc còn được chấm phá những sắc màu rực rỡ của chim muông hoa lá. Hoa nở ven hồ, trên các sườn đồi. Hoa nở cả bốn mùa trong năm phủ kín lối mòn. Hoa đủ loại, đủ màu sắc. Nào ê ban xanh lục, đơn đỏ hồng, hoa mua tím, ngải phơn phớt, quỳ vàng rực… Thế giới chim muông phong phú đủ chủng loại: Sin sít, bói cá, d’rao, chim trắc, cuốc đen, kơ  túc, kơ vông… khu trú ở các bãi lau sậy, mép hồ, trên các cành cây cao. Chim từ đâu lũ lượt kéo nhau bay về mỗi chiều.
Khung cảnh  trữ tình thơ mộng của Biển Hồ là nơi thích hợp cho những đôi lứa hẹn hò tận hưởng dư vị ngọt ngào của tình yêu lãng mạn. Những thi nhân cũng đến đây để tìm cảm hứng cho sáng tác của mình. Và nhìn ở góc độ lịch sử, đây cũng là nơi các nhà khảo cổ tìm đến khảo sát, thăm dò và phát hiện ra những di chỉ văn hóa  Biển Hồ.
Nhưng không phải không có những đêm tối trời. Bóng đen bao trùm không gian quạnh quẽ. Núi đồi yên ắng. Nước khua khẽ xao động, gió xì xầm. Đó là lúc nghe có tiếng cồng chiêng dội vào hư vô, có bóng những người đàn ông mặc khố và những người đàn bà  đều tay trong điệu múa xoang bên đống lửa bập bùng. Họ cùng cất lên bản hòa tấu bằng âm thanh cồng chiêng đồng vọng cả núi đồi hoang vắng.
Có thể không mấy ai tin vào điều đó bởi  cũng chỉ là thực và ảo đan cài dệt nên bức tranh tinh khôi huyền bí.
Châu Thị Cúc

Ý kiến bạn đọc