Đình Chèm
Đình Chèm là đình của làng Chèm, thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Chèm là trại âm của từ tiếng Việt cổ là T’lem, còn gọi là Từ Liêm, xuất hiện từ năm 621. Đình Chèm là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: làng Mạc, làng Hoàng và làng Chèm của huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đình Chèm Thờ Thượng đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng (tức Lý Thân), một nhân vật huyền thoại. Đình Chèm là một trong những ngôi đình được coi là cổ nhất ở nước ta với kiến trúc nghệ thuật chạm khắc độc đáo.
Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng còn có tên khác là Lý Thân, sinh vào thời vua Hùng Duệ Vương, mất vào thời Thục An Dương Vương. Thuở nhỏ, ông là một cậu bé cực kỳ khôi ngô, có tầm vóc cao lớn dị thường. Lớn lên Lý Thân văn võ song toàn, tính tình cương trực, đã trừ khử cường hào trong làng, vì ông có tài nên được vua Hùng trọng dụng. Ngoại bang nghe tiếng Lý Ông Trọng cũng phải nể vì. Thời ấy nước ta sống yên bình. Bên Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng tuy đã thống nhất đất nước nhưng quân Hung Nô vẫn đánh phá nơi biên ải. Vua Tần bèn ép Thục An Dương Vương cống nạp người tài sang Tần. Lý Ông Trọng được bổ nhiệm làm quan Tư lệ Hiệu úy, trấn giữ đất Hàm Dương, đánh lui giặc Hung Nô và được vua Tần gả con gái là Bạch Tính Cung. Về già, ông được vua Tần hậu đãi và cho trở về quê quán. Sau này, quân Hung Nô lại đem quân uy hiếp Tần nên vua Tần cho mời ông sang giúp. Vì không muốn xa quê hương, ông từ chối không được, bèn tự sát. An Dương Vương ướp xác ông gửi sang để làm bằng chứng. Tần Thủy Hoàng cảm kích, tổ chức lễ tang rất long trọng. Còn tại quê nhà, dân làng kính trọng tài năng và đức độ của ông bèn lập đền thờ, suy tôn ông làm thành hoàng làng. Tuy vậy, không rõ Đình Chèm được dựng lên lần đầu tiên vào khoảng thời gian nào. Theo lời kể, đình có niên đại cách đây hơn 2000 năm, song hiện trong đình chỉ lưu giữ những hiện vật có phong cách thế kỷ thứ XVIII.
Đình Chèm là di tích lịch sử lâu đời ở phía Tây Bắc Thủ Đô. (Ảnh: T.L) |
Đình Chèm nằm bên hữu ngạn sông Hồng luôn bị lũ lụt đe dọa nên năm 1903, toàn bộ ngôi đình được dân làng di dời vào phía trong đê và nâng toàn bộ ngôi đình lên cao 2,4m hơn mực nước sông Hồng mùa lũ. Trước đó, đình Chèm còn được tu sửa và xây dựng thêm công trình phụ như hậu cung vào năm 1621, tam quan vào năm 1773 và các lần tu sửa vào các năm 1792, 1797, 1885, 1903 và 1913.
Đình Chèm được xây theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Bên trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả mạc, hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái hậu cung thành chữ “Công”. Các cây cột và mái đình được chạm trổ rất tinh vi, còn bên ngoài đình là tam quan và bốn trụ cột bằng đồng cổ kính. Gian trong cùng của ngôi đình có hai pho tượng của vợ chồng Lý Ông Trọng có kích cỡ rất lớn và tượng của 6 người con thì nhỏ hơn, tất cả được đúc vào năm 1888. Hiện ở đình Chèm có lưu giữ chiếc lư hương nghìn năm tuổi rất quý hiếm. Ngoài ra còn có cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghĩa, văn tế, cách đắp tượng dưới thời nhà Nguyễn, ba sắc do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng, bốn bia đá lớn (một tấm thời Lê Cảnh Hưng và ba tấm thời nhà Nguyễn), hai chuông đồng đúc vào thời Nguyễn, 15 câu đối, 8 bức hoành phi.
Hằng năm, hội Chèm diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16-5 âm lịch, trong đó ngày 15 là ngày hội chính với sự tham gia của ba làng kết nghĩa: Chèm (anh cả), Hoàng Xá (anh hai), Mạc Xá (anh ba), và tục kết nghĩa này có từ lúc Lý Ông Trọng còn sống.
Đáng xem nhất trong hội đình Chèm là lễ rước nước sáng ngày 15 do ba chiếc thuyền rồng của ba làng bơi ra giữa sông Hồng lấy nước đưa vào bờ, sau đó đám rước đưa nước vào đình. Lễ hội còn có cuộc thi thả chim bồ câu, con chim nào bay cao nhất thì được giải.
Đình Chèm là một di sản văn hóa quý hiếm của đất Thăng Long – Hà Nội, đã được Nhà nước công nhận là di tích cấp Quốc gia vào năm 1990.
Ý kiến bạn đọc