Multimedia Đọc Báo in

Chiếc nón lá Việt Nam

00:59, 27/11/2010

Chiếc nón lá là hình ảnh quen thuộc từ bao đời nay, đã tạo nét duyên dáng cho người phụ nữ Việt Nam. Cùng với chiếc áo dài tha thướt, chiếc nón lá là đề tài thi vị cho các nhà văn, nhà thơ, các nhà nhiếp ảnh.

Thế nhưng chiếc nón lá có từ bao giờ? Huế có phải là quê hương của chiếc nón bài thơ không? Điều này đã làm không ít người băn khoăn.

Thật ra, chiếc nón lá Việt Nam đã xuất hiện trong đời sống của nhân dân ta từ thế kỷ XIII, và không phải chỉ có Huế mới có nón bài thơ.

Vào thời nhà Trần, ở làng Ma Lôi, thuộc lộ Hồng Châu (Hải Dương và Hải Phòng ngày nay) đã sản xuất nón lá. Nhân dân quanh vùng vào rừng chọn lá cọ non đem về phơi khô để kết làm chiếc nón đội đầu che mưa, che nắng, gọi là ’’nón Ma Lôi’’. Lúc ban đầu chiếc nón chỉ lưu hành trong dân gian về sau các vua Trần cảm thấy nón đẹp đã cho cải tiến thành một loạt nón, để dùng trong hoàng cung, gọi là ’’nón thượng’’. Nón Ma Lôi còn được dùng rộng rãi trong lực lượng thủy quân thời nhà Trần do tướng Trần Khánh Dư chỉ huy.

Theo Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) viết trong sách ’’Vân đài loại ngữ’’, trên vùng thượng nguồn sông Thao và sông Đà có giống cây cọ có lá bền và đẹp, càng phơi nắng càng trắng, người ta chọn những lá thanh, nhỏ để làm nón. Và Châu Bố Chánh (trấn Nghệ An) có thứ lá gõ dùng để lợp mái kiệu, nhân dân sống ở vùng này đã chọn thứ lá non đem về phơi khô rồi kết làm nón đội đầu gọi là ’’nón gõ’’. ’’Nón gõ’’ chính là tiền thân của ’’nón Nghệ’’ và ’’nón Ba Đồn’’ ở Quảng Bình ngày nay. Trải qua nhiều đời tùy theo phong thổ và đặc sản của từng vùng, nhân dân ta đã sáng chế ra nhiều loại nón lá khác nhau để đội đầu. Mỗi kiểu nón lại dành riêng cho mỗi hạng người trong xã hội.

 


Trong ’’Vũ Trung tùy bút’’ của Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) đã liệt kê đầy đủ và mô tả khá chi tiết về các kiểu nón lá Việt Nam có mặt đến cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Nón lá đã xuất hiện trên đất nước ta rất sớm với nhiều chức năng và công dụng khác nhau đối với cuộc sống con người như che mưa, che nắng, quạt mát, là ’’cái bát’’ khổng lồ để múc nước uống giữa cảnh trưa hè ở ngoài đồng ruộng, là ’’cái rổ’’ để đựng vật dụng khi cần kíp... Hầu như trên khắp đất nước ta, ở đâu cũng có nghề chằm nón lá và mọi người trong xã hội, dù sang hay hèn đều đội nón. Đó là loại nón Cọ, nón Bạc, nón Mây của đồng bào Tây Bắc, nón Lai Châu của người Thái, nón Cao Bằng của đồng bào Tày, nón Mõm Bò dùng cho người kéo xe kéo ở Hà Nội thời Pháp thuộc... Nổi tiếng nhất là nón Chuông (ở Thanh Oai, tỉnh Hà Tây), nón Gò Găng (ở Bình Định) và nón bài thơ xứ Huế.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đưc, có ghi rõ: ’’Nón Cao Bằng sơn đỏ, nón Thanh Hóa nhẹ nhàng, nón Hà Đông thanh lịch, nón Gò Găng Bình Định vừa thanh tú vừa bền, đặc biệt là nón bài thơ xứ Huế có dáng mỏng như tờ giấy, nhẹ nhàng như cánh nhạn, đẹp và bền được mọi người ưa thích...’’

Ngày nay, không riêng gì ở Huế mà ở đâu có nghề chằm nón đều có nón bài thơ. Và đối với người phụ nữ Việt Nam, chiếc nón đội đầu với cả cuộc đời họ gắn bó như là bóng với hình:
Chén tình là chén say sưa,
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu

(ca dao)

 

Hay:
Chàng đi đường dẫu gặp khó khăn
Cũng sao ghé lại Gò Găng quê mình
Vào đây em tặng nón chung tình
Hình chàng bóng thiếp in hình đôi ta...

(Ca dao Bình Định)

 

Nón bài thơ xứ Huế, nón Gò Găng Bình Định, nón Chuông Hà Tây cùng nhiều loại nón lá khác giờ đây đã có mặt khắp thị trường trong nước và quốc tế. Nón lá Việt Nam luôn được du khách nước ngoài quan tâm và ưa thích bởi nét hấp dẫn, độc đáo và thanh lịch của nó.

Nguyễn Nhân Thống


Ý kiến bạn đọc