Trần Văn Giàu - huyền thoại một con người
Năm 1928, khi 17 tuổi Trần Văn Giàu, sang Pháp du học. Đến tháng 5-1929, anh gia nhập Đảng Cộng sản Pháp.
Năm 1930, Trần Văn Giàu tham gia cuộc biểu tình đòi Tổng thống Pháp hủy bản án tử hình các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Ông bị bắt và bị trục xuất về nước. Về Sài Gòn, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, Trần Văn Giàu được cử sang Liên Xô học trường Đại học Phương Đông. Trong thời gian học tập tại đây, ông đã dịch nhiều tài liệu chữ Pháp ra chữ Việt và bắt đầu viết sách. Những cuốn sách đầu tiên in bằng tiếng Việt như: "Những nguyên lý tổ chức của Đảng Cộng sản", "Nghệ An đỏ", "Cách mạng tư sản dân quyền".
Năm 1933, Trần Văn Giàu bí mật trở về Sài Gòn. Ông bắt liên lạc với cơ sở cũ và một số đồng chí vận động xây dựng lại tổ chức Xứ bộ Nam Kỳ, ra tờ báo Cờ Đỏ và Bộ Cộng sản Tùng thư. Cuối năm 1933, ông bị Pháp bắt, sau khi được phóng thích, lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 4-1935, ông bị bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Tháng 5-1940, ra tù được 9 ngày, ông lại bị Pháp bắt đưa đi an trí ở Tà Lai. Giữa năm 1941, ông vượt ngục, trở lại Sài Gòn hoạt động. Tháng 10-1943, ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ.
Tháng 8-1945, Trần Văn Giàu cùng với Xứ ủy lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ, được cử làm Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Nam bộ. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, ông là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ.
Từ 1946-1948, ông được Trung ương điều động sang Campuchia giúp bạn xây dựng lực lượng kháng chiến.
Năm 1949, ra Việt Bắc, Trần Văn Giàu được cử làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin.
Một nhà trí thức bốn lần vào tù ra khám, 12 năm bị giam cầm, đày ải, mà vẫn kiên trì hoạt động cách mạng, thật là một con người có bản lĩnh vững vàng, một nhân cách lớn.
Từ năm 1952, cuộc đời Trần Văn Giàu đã rẽ sang một bước ngoặt đầy ý nghĩa, khi được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thành lập Trường Dự bị đại học trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra quyết liệt. Và từ đó, Trần Văn Giàu gắn bó đời mình với sự nghiệp "trồng người", nghiên cứu khoa học, viết sách, viết báo.
GS Trần Văn Giàu (ảnh chụp đầu năm 2010). (Ảnh: T.L) |
Các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh trong các trường Dự bị Đại học, Cao đẳng Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1952 đến 1975 lần lượt được Giáo sư Trần Văn Giàu góp công đào tạo ngày nay đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, nhà quản lý có tên tuổi. Riêng trong lĩnh vực sử học, người ta thường nói đến tên tứ trụ tiêu biểu là Lâm (Đinh Xuân Lâm), Lê (Phan Huy Lê), Tấn (Hà Văn Tấn), Vượng (Trần Quốc Vượng) đều là học trò của thầy Trần Văn Giàu. Cùng với các nhà khoa học nổi tiếng Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Lê Văn Thiêm, Đặng Thai Mai..., Trần Văn Giàu được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong hàm chức danh giáo sư đầu tiên của Nhà nước ta vào năm 1960.
Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà khoa học lớn, đặc biệt được mệnh danh là cây "đại cổ thụ" trong làng khoa học nước nhà. Trong hơn 50 năm hoạt động khoa học, Giáo sư đã có hơn 150 công trình nghiên cứu về triết học, tư tưởng, lịch sử, văn học, được giới khoa học thừa nhận chưa có người nào viết nhiều như thế, đã để lại một dấu ấn riêng, một phát hiện mới và những quan điểm đầy thuyết phục thể hiện sự thống nhất giữa tính chiến đấu và tính khoa học. Về triết học, ông có ba công trình tiêu biểu mang tính tiên phong: Biện chứng pháp (1955), Vũ trụ quan (1956), Duy vật lịch sử (1957). Về lịch sử, các nhà khoa học đánh giá cao bộ công trình đồ sộ về lịch sử Việt Nam của ông gồm 5 bộ chia làm 18 tập. Với công trình này, Giáo sư Trần Văn Giàu được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt đầu tiên. Nhiều công trình nghiêu cứu lịch sử của ông được liên tiếp công bố, công trình nào cũng có quy mô vài ba nghìn trang in. Giáo sư Vũ Khiêu rất có lý khi nhận xét: "Các tác phẩm về sử học của Giáo sư Trần Văn Giàu đều có sức hấp dẫn của văn và chiều sâu của triết. Ở Giáo sư, trong văn có triết và trong triết có văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học"(1). Gần đây, Giáo sư Vũ Khiêu còn viết về Trần Văn Giàu như sau: " Là một nhà Cách mạng lão thành, anh đã suốt đời chiến đấu không mệt mỏi và trước mọi gian nguy, thử thách vẫn sáng ngời niềm tin và khí phách. Là một nhà khoa học lỗi lạc, anh đã viết hàng vạn trang giấy, nhưng không hề lặp lại mình hay lặp lại người khác. Từng trang, từng trang vẫn sáng long lanh những phát hiện mới, những nhận định mới" (2)
Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết về văn học dân gian như: Họ Hồng Bàng, Truyện Thánh Gióng, Thần Tản Viên, Thần Kim Qui, Truyện Hai Bà Trưng... Về con người và tác phẩm vang dội của văn học trung đại như Lý Thường Kiệt và những áng văn nổi tiếng của ông, Giáo sư đã cho ra đời: "Lộ bố đánh Tống" và "Nam quốc sơn hà"; hoặc như bài Hịch tướng sĩ của vị tướng kiệt xuất đời Trần: Trần Quốc Tuấn. Về văn chương, Giáo sư đặc biệt quan tâm đến thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19... Ngoài ra, còn có những công trình do Giáo sư chủ biên như Lịch sử cận đại Việt Nam (3 tập - 1960-1963) hoặc đồng chủ biên với nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng : Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (4 tập - 1987), Chủ tịch Hồ Chí Minh và miền Nam Tổ quốc (3 tập - 1990).
Với hàng trăm công trình, tác phẩm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, Giáo sư Trần Văn Giàu vừa là một nhà cách mạng lão thành, vừa là một nhà khoa học lớn của nước ta, có uy tín trong giới khoa học thế giới, đồng thời là người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam.
Từ năm 1975, Giáo sư sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, vừa là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, vừa là Chủ tịch Hội đồng Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, một Ủy ban giải thưởng mang tên Trần Văn Giàu đã được thành lập. Quỹ thưởng là một ngàn lượng vàng do chính Giáo sư trích lập từ nguồn tiền bán căn nhà do Nhà nước cấp cho ông. Đây là giải thưởng khoa học địa phương dành cho các tác phẩm, các công trình nghiên cứu có giá trị thuộc hai lĩnh vực: Lịch sử và lịch sử tư tưởng về khu vực Nam bộ, nam Trung bộ và TP. Hồ Chí Minh. Mỗi lĩnh vực chỉ có một giải thưởng trị giá 50 triệu đồng, mỗi năm trao giải một lần.
Với những đóng góp to lớn đối với đất nước, dân tộc, Giáo sư Trần Văn Giàu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1 năm 1996); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; danh hiệu Anh hùng Lao động (10-10-2002), Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Ngày 29-11-2002, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Giáo sư Trần Văn Giàu xúc động nói: "...Trong 72 năm tôi vào Đảng, trừ ra chỉ có 31 ngày là tôi không hoạt động được cho Đảng, đó là 31 ngày tôi bị bắt đày ra Côn Lôn, cạnh phòng giam với tôi là đồng chí Tôn Đức Thắng. Còn tôi thì bị nhốt ở xà lim còng 2 chân... Anh chị em tin rằng người sắp chết không bao giờ nói sai” (bật khóc)... Giáo sư vừa khóc, vừa nói tiếp: "Nhân hôm nay, tôi nói tôi có một khuyết điểm to lớn là: Bắt đầu nổ súng chống Pháp ở Nam bộ rồi 30 năm kháng chiến, nhưng chỉ có mấy tháng đầu tôi ở Sài Gòn, còn sau đó, tôi không có mặt... tôi xấu hổ lắm! Anh chị em thông cảm cho tôi. Hôm nay, tôi được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, tôi cho là phần nào, một cách để tôi rửa mặt..." (3).
Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 6-9-1911, quê quán xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, đã từ trần lúc 17 giờ ngày 16-12-2010 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh, thọ 100 tuổi. |
Nguyễn Xuyến
---------------------------
(1) Trần Văn Giàu tuyển tập - NXB Giáo dục -
H - 2000).
(2) Báo Nhân Dân, số 20197, ngày 19-12-2010.
(3) Tạp chí Xưa và Nay, số 128, tháng 11-2002.
Ý kiến bạn đọc