Multimedia Đọc Báo in

Khu di tích Bà Triệu

17:29, 12/02/2011

Khu di tích Bà Triệu là một trong những di tích - thắng cảnh – danh lam nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, nằm trên địa bàn thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, cách thủ đô Hà Nội 137 km.

Đầu thế kỷ thứ III, nước ta bị quân phong kiến nhà Ngô bên Trung Quốc xâm chiếm, đô hộ. Chúng chia nước ta thành các quận, huyện để cai trị và bóc lột dân chúng một cách dã man, tàn bạo. Bấy giờ ở vùng Quân Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Công, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa) có một huyện lệnh tên là Triệu Quốc Đạt đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ của giặc Ngô. Ông được sự giúp sức của người em gái là Triệu Thị Trinh mà nhân dân quen gọi là Bà Triệu. Sau khi Triệu Quốc Đạt mất, Bà Triệu được quân sĩ tôn lên làm chủ soái thay anh. Nhân dân khắp nơi nô nức theo về với bà ngày càng đông. Ca dao còn nhắc lại điều này:

Ru con, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Đầu năm 248, Bà Triệu lập căn cứ ở làng Bồ Điền, nay là thôn Phú Điền, huyện Hậu lộc, tỉnh Thanh Hóa. Quân Ngô bị đánh bại khắp nơi. Chúng khiếp sợ, kháo nhau:

Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà Vương nan
(Múa ngang ngọn giáo chống hổ thì dễ
Đối mặt vua Bà khó lắm thay!)

Sử sách và truyền thuyết đã lưu truyền hình ảnh Bà Triệu “mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trận’’, và câu nói đầy khí phách của bà ‘’Chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta’’. Về sau, tướng Ngô là Lục Dận mang đại quân đến đánh và trong một trận ác chiến ở Bồ Điền, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh vào ngày 22-2 năm Mậu Thìn (248). Hiện nay, ở nơi đây còn thấy một số di tích lịch sử liên quan đến Bà Triệu.

Du khách tham quan khu di tích Đền thờ Bà Triệu. (Ảnh: T.L)
Du khách tham quan khu di tích Đền thờ Bà Triệu. (Ảnh: T.L)

Đền thờ Bà Triệu nằm trên ngọn núi Bân. Tương truyền đền này được xây từ thời Lý Nam Đế. Khi nhà vua đem quân đi dẹp giặc ở phương Nam, lúc đi ngang qua đây có trú quân qua đêm được Bà Triệu báo mộng nên ngày thắng trận trở về nhà vua cho sửa sang lại lăng mộ và lập đền thờ Bà. Lúc đầu, đền bé nhỏ lợp tranh, trải qua nhiều đời tu sửa mới nguy nga, cao đẹp như hiện nay. Qua cổng đền là hồ sen, bốn bề kè đá, tiếp đến là nhà Tiền đường gồm 5 gian. Từ bên ngoài nhìn vào, chính giữa đền đề bốn chữ Hán: ‘’Triệu Nữ Vương từ’’ (Đền thờ Triệu Nữ Vương). Tất cả cây cột đền đều làm bằng đá trên cột có khắc nhiều câu đối, chẳng hạn có câu như:

“Nữ thủ huy quan danh chấn cổ
Tượng đầu trước kích, tích lưu kim”
(Tay gái vung gươm, tên nổi trước
Đầu voi đạp guốc, dấu còn nay)   

Tại đền còn lưu giữ hơn chục bài thơ ca ngợi công đức Bà Triệu, trong đó có thơ của vua Lê Thánh Tông. Sau nhà tiền đường là một khoảng sân nhỏ, hai bên tả hữu là nhà tiếp khách và sửa lễ. Cuối sân là ba gian hậu cung dựng trên một mặt bằng cao hơn, lưng dựa vào vách núi. Trong cuộc chiến tranh phá loại miền Bắc nước ta, không quân Mỹ đã ném bom trúng đền và đền bị hư hại nặng. Sau này, đền được khôi phục lại như hiện nay.

Cách đền khoảng 1 km về hướng Tây là ngọn núi Tùng (Tùng Sơn) vì dáng núi giống như cây thông. Trên đỉnh núi có mộ Bà Triệu. Hiện tại lăng mộ Bà vẫn còn, tuy đơn sơ, giản dị nhưng rất trang nghiêm. Trên đường thiên lý ra Bắc vào Nam, du khách thường dừng chân lên núi thắp nén hương, tưởng niệm vị nữ anh hùng dân tộc, viếng lăng mộ và thưởng ngoạn cảnh đẹp ở đây. Đứng tại lăng mộ Bà, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn ra bốn hướng chung quanh, cảnh núi sông, làng mạc, ruộng đồng, đường bộ, đường sắt... đan xen với nhau tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác.

Từ cổng đền băng qua quốc lộ 1A theo con đường làng dẫn đến đình Bồ Điền, nằm trên một gò rất cao ráo. Trong hậu cung đình có tượng Bà Triệu đặt trên ngai tạc bằng gỗ quý. Theo các cụ trong làng cho biết, đình thờ Bà Triệu làm thành hoàng và hiện còn giữ được nhiều sắc phong với nhiều danh hiệu khác nhau, như: “Anh liệt phu nhân”, “Hùng đài phu nhân”, “Hồng ân mậu đức đại vương’’... Đình làng làm bằng gỗ, lợp ngói, cột lim rất xưa và to lớn, có cột chu vi đến 2m. Hiện chưa biết đình dựng vào thời gian nào, chỉ thấy trên thượng hương của đình ghi mấy dòng chữ Hán, cho biết đình được trùng tu năm Mậu Dần, đời Tự Đức thứ 31 (1878).

Hàng năm, cứ đến ngày 21 và 22-2 âm lịch, nhân dân khắp nơi về đền Bà Triệu dâng hương để tưởng nhớ vị nữ anh hùng dân tộc. Trong lễ hội có rước kiệu, múa rồng và biểu diễn võ thuật.

Nguyễn Nhân

 


Ý kiến bạn đọc