Multimedia Đọc Báo in

Về làng Chuông đi chợ phiên nón lá

14:17, 11/03/2011

Nghề làm nón có tự bao giờ và ai là vị tổ của nghề thì dân làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội không rõ, nhưng ai cũng biết chiếc nón trắng 16 vành đặc trưng của làng từ thời xa xưa đã từng được dùng để làm quà cho hoàng hậu, công chúa trong cung cấm.

 

Nón là làng Chuông
Nón lá làng Chuông

Trải qua thời gian, trong thời kỳ cả nước hội nhập, nghề làm nón của làng không mất đi mà vẫn ngày càng phát triển. Từ chỗ là mặt hàng phục vụ các bà, các chị ở làng quê, nón Chuông nay còn là mặt hàng lưu niệm mang giá trị văn hóa cho đông đảo du khách khi đến nơi đây.

 

Qua bàn tay khéo léo
Qua bàn tay khéo léo của phụ nữ làng Chuông đã biến những dải lá gồi non xù xì, quăn queo… thành những chiếc nón phẳng phiu duyên dáng

Đã từ bao đời nay, phụ nữ ở làng Chuông tự hào truyền cho nhau cái tài khéo léo nổi tiếng khắp vùng, biến những dải lá gồi non xù xì, quăn queo… thành những chiếc nón phẳng phiu duyên dáng, nức tiếng trong Nam ngoài Bắc. Nón làng Chuông cần 16 đến 20 vòng tròn, vót vòng đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn để sao cho chiếc vòng chuốt phải đều và nhẵn, đặc biệt chỗ nối là một nghệ thuật để người ta thấy như một đường liền.

 

Yêu nghề
Gắn bó với nghề truyền thống bởi tình yêu

Cái tài của người làng Chuông là các mối nối sợi đã được dấu rất kín một cách khéo léo, khiến khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những mắt sợi mịn màng tưởng như chiếc nón đã được khâu bằng một sợi dài. Chiếc nón khâu xong ở vòng ngoài cùng bao giờ cũng có một vòng cạp, cạp ở phía trong để giữ độ bền chiếc nón.

Những phiên chợ tập nập kẻ bán người mua
Những phiên chợ tấp nập kẻ bán người mua

Công phu nhất, có nghệ thuật nhất và có nhiều ẩn ý nhất là sự trang trí giữa lòng những chiếc nón bài thơ. Giữa hai lớp lá mỏng, người làng Chuông gài những hình trổ của dân gian, hình ảnh của quê hương đất nước, và đôi khi mấy câu thơ... Tất cả những lời thơ, những hình ảnh đầy thi tứ ấy được gửi gắm một cách khéo léo và tinh tế vào chiếc nón bài thơ, chỉ khi nào soi lên trong ánh sáng thì mới có thể cảm nhận. Có lẽ vì thế mà chiếc nón bài thơ thường được làm quà tặng, vật kỷ niệm cho nhau. Nó chính là tâm hồn, là tình cảm của người gửi và gợi sự lưu luyến, xao xuyến trong lòng người nhận.

 

Làng Chuông đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn
Làng Chuông đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho ai yêu mến nét đẹp truyền thống văn hóa Việt

Trải qua bao năm tháng, nghề làm nón ở làng Chuông đã trở thành một nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền. Cùng với các vùng làm nón khác, nó đã góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Song hành với nghề làm nón truyền thống, làng Chuông hôm nay vẫn giữ được phiên chợ nón họp 6 lần/tháng vào các ngày 4,10,14,20,24 và 30.

Vào mỗi phiên, chợ nón Chuông sôi động từ tờ mờ sáng với các mặt hàng liên quan đến nón như: lá cọ, lá lội, tre, nứa, chỉ màu và nón thành phẩm. Kẻ bán, người mua và cả khách tham quan trong và ngoài nước tấp nập đổ về đã tạo nên nét văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có ở ngôi làng phía Tây Thủ đô hôm nay.

L.H (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc