Multimedia Đọc Báo in

Trằm Trà Lộc - "Hồ nước xanh" giữa ngày hè Quảng Trị

09:50, 06/09/2011
Trằm Trà Lộc thuộc làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, chỉ cách QL 1A đoạn đi qua Ngã ba Hải Lăng (còn gọi là ngã ba Diên Sanh) 8km hướng về biển Mỹ Thủy. Toàn bộ Trằm là cả một hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Nơi đây vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ của một khu nguyên sinh và là địa điểm thu hút rất nhiều du khách...
 
Theo tiếng địa phương, từ “trằm” có nghĩa là “bàu”, nơi tích tụ lượng nước từ nhiều nơi chảy về đọng lại.
 
Giữa cái nắng mùa hè của miền Trung như đổ lửa, từng đợt gió Lào về quyện với mùi nồng của đất, của những đồi cát phả hơi nóng lên tận mặt, nhưng khi bước chân vào khu rừng bạn sẽ có cảm giác  khoan khoái, quên đi cái mệt nhọc của một quãng đường xa. Những cây dây leo chằng chịt đan vào nhau như chiếc mũ lớn đón lấy ánh nắng trên đầu. Đâu đó sẽ bắt gặp hình ảnh những chú khỉ đang vắt mình trên những cành cây để ngủ, mà tưởng chừng như đó là những hình ảnh chỉ có thể bắt gặp trên những dải đại ngàn Trường Sơn.
 
Nghe kể lại rằng: Ngày xưa nơi đây là địa bàn quan trọng của căn cứ kháng chiến, giặc Mỹ đã dội bom xuống vùng đất này rất nhiều nhưng không một quả bom nào có thể lọt qua được chiếc mũ lưới khổng lồ ấy. Những thân cây xù xì mà có sức dẻo dai đến kỳ lạ, bất chấp khói đạn của chiến tranh vẫn giữ chặt đất, bám lấy nhau cùng sinh tồn và phát triển. Mỗi ụ cây già còn hằn dấu chi chít những mảnh đạn vẫn oằn mình vươn dậy để cho những cây con có chỗ dựa bám lên.
 
Ngày nay, Trằm Trà Lộc được người dân bảo vệ như một báu vật. Hồ nước lớn ở giữa khu rừng không bao giờ vơi cạn và là nơi dẫn nước về không chỉ đủ chống hạn cho cả làng Trà Lộc mà còn tưới giúp cho một phần đồng ruộng của hai làng Duân Kinh, Trà Trì.
 
Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc có diện tích gần 100 héc-ta, gồm có một bàu nước rộng mênh mông được bao quanh bởi những cụm cây rừng với đủ chủng loại cây cối, thực vật của vùng nhiệt đới, đặc biệt là đước và dây leo chằng chịt vắt ngang đầu người.
 
Đây là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loài động vật, sinh vật tự nhiên. Đâu đó bạn sẽ nghe tiếng chim hót líu lo dưới rừng cây, bắt gặp những chú khỉ tinh nghịch vắt mình trên cành cây để ngủ… Nguồn nước ở bàu Trà Lộc giữ được độ ẩm ổn định cho đất nên cỏ cây hoa lá ở đây mọc lên một cách tự nhiên. Vì vậy, khu vực quanh bờ hồ tồn tại một hệ sinh thái đa dạng và mãi xanh tươi với thời gian.
 
Trên mặt hồ luôn có những đàn cò trắng xôn xao bay lượn. Dưới lòng hồ hoa sen, hoa súng đua nhau khoe sắc, ven bờ hồ cỏ dại mọc um tùm. Rải rác dưới những bụi cây đước là các loài chim bói cá, vịt trời, là đà lắp xắp tìm mồi. Tất cả gợi lên một khung cảnh miền quê yên ả và thanh bình. Bàu Trà Lộc nổi tiếng có nhiều loại cá nước ngọt thiên nhiên sinh sống như: trắm, chép, lóc, diếc… nên mỗi năm người dân ở đây thường mở hội “phá trằm”, hàng trăm người thi nhau bắt cá rất vui nhộn. Sau khi bắt cá, du khách sẽ được thưởng thức món ăn đặc sản của Quảng Trị: cháo cá “vạt giường”, cháo bánh canh cá lóc nổi tiếng của người Hải Lăng hay các hải sản tươi từ biển Cửa Việt, biển Mỹ Thủy đưa về nhâm nhi với danh tửu Kim Long. Ẩm thực ở đây rất hấp dẫn nhưng mức giá thì hết sức bình dân. Đến với Trằm Trà Lộc, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon của Quảng Trị. Đặc biệt ấn tượng món cháo cá nơi đây, bởi bát cháo còn nghi ngút khói quyện với mùi hăng hăng của nén (hành tăm) rất hấp dẫn nhưng mức giá lại hết sức bình dân.
 
Ngồi trên những tấm sạp thỉnh thoảng bạn còn nghe tiếng “lốp bốp” của mấy chú cá nhảy lên đớp mồi. Cá ở đây nhiều lắm nhưng đều được người dân bảo vệ chặt chẽ, chính vì thế mà không có một dấu vết của sự rò phá bằng điện. Để bảo vệ nguồn sinh thủy, làng Trà Lộc còn đề ra nội quy không ai được vào đây chặt cây lấy củi, chỉ được phép nhặt lá khô về làm chất đốt. Nhờ vậy, khu vực quanh hồ trở thành một hệ sinh thái đa dạng.
G.T ( Giới thiệu)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.