Multimedia Đọc Báo in

Quyến rũ vịnh Xuân Đài

20:26, 25/12/2011

“Vũng La, vũng Sứ, vũng Chào/ Vũng Dông, vũng Lắm, vũng nào cũng thương” là câu ca dao mà người dân địa phương dùng để nói về vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên). Vịnh Xuân Đài nằm cách thành phố Tuy Hòa khoảng 45km về phía bắc. Đường quốc lộ 1A chạy dọc men theo bờ tây vịnh Xuân Đài, đi vào Nam ra Bắc, khi đến đỉnh dốc Găng du khách có thể dễ dàng ngắm một góc cảnh vịnh Xuân Đài. Tàu thuyền có thể đi vào từ cửa vịnh hoặc xuất bến từ cảng Dân Phước, Tiên Châu, Nhất Tự Sơn... để đi tham quan toàn vịnh.

Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha. Cửa vịnh rộng khoảng 4,4 km, vịnh có độ sâu từ 7-18m, bờ vịnh dài khoảng 50km, chạy qua nhiều vùng địa hình khác nhau với những tên gọi khá thú vị như: gành Đèn, Mũi đá Ong, gành Đen, gành Đỏ, vũng Lắm, vũng Mắm, vũng Dông, vũng Sứ, vũng Chào, vũng Me, vũng La, bãi Ôm, bãi Từ Nham, mũi Động Tranh, mũi Gành Tướng, hòn Móm, mũi Tai Mã, gành Bà, Cù lao ông Xá, đảo Nhất Tự Sơn, đám Cồn Cả... Mặt phía đông nam cửa vịnh là gành Đá Đĩa, Hòn lao Mái Nhà; phía bắc là bãi cát Từ Nham, bãi biển Từ Nham, đầm Cù Mông, vũng Vuông, bãi Tràm, bãi Nồm... Vịnh Xuân Đài chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử: vào những năm 1775 - 1801 là cuộc thủy chiến giữa quân Tây Sơn với nhà Nguyễn. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, tàu hải quân của quân đội Nhật Hoàng bị phi cơ Đồng Minh bắn chìm giữa vịnh Xuân Đài. Vũng Lắm là thương cảng sầm uất bậc nhất của Phú Yên trong quá khứ, là cửa ngõ thông thương giữa Phú Yên với bên ngoài...

Hòn Yến trong vịnh Xuân Đài. (Ảnh: website dulichnamtrungbo-phuyen2011)
Hòn Yến trong vịnh Xuân Đài. (Ảnh: website dulichnamtrungbo-phuyen2011)

Nhất Tự Sơn được xem là hòn đảo đẹp nhất trong vịnh Xuân Đài. Cả đảo được che phủ bởi một rừng cây xanh tốt, bãi đá bị bào mòn nổi vân như thớ gỗ mịn và những khối đá chồng lên nhau, tạo thành bậc ghế ngồi sát mặt nước. Một điểm hấp dẫn khác là gành Đèn, với nhiều tảng đá lớn màu hồng nhạt chồng xếp lên nhau, tạo thành nhiều hang hốc nhỏ. Phía sát mặt nước, gành đá có bờ dốc đứng, từng đợt sóng đánh thẳng vào gành làm bọt tung trắng xóa. Dưới mặt nước, rong biển mọc dày như tấm thảm nhung dập dờn theo từng con sóng. Một hòn đảo nổi tiếng nữa là hòn Yến. Chạy quanh hòn Yến một vòng nhìn nó lúc tựa một cánh buồm, khi giống con hổ ngồi thả hồn trên biển. Ở dưới lòng vịnh có những rạn san hô màu và rong biển mà không phải vịnh nào cũng có được. Có thể nói đây là một tổ hợp về cảnh quan, sinh thái.

Đến vịnh Xuân Đài là đến với một vùng non nước thắm đượm màu xanh: Mặt biển xanh, rừng dừa xanh, núi non xanh và bầu trời xanh thẳm. Xung quanh vịnh là những xóm làng bình yên, nấp bóng dưới rừng dừa, những bãi cát trắng xen lẫn những bãi đá có hình thù khác lạ. Đi thuyền trên vịnh Xuân Đài phóng tầm mắt về phía tây là những dãy núi cao trùng điệp, nhìn về hướng đông trên bán đảo Xuân Thịnh bên cạnh những ngọn đồi xanh là cồn cát Từ Nham như một đám mây trắng sà xuống đỉnh núi. Nét độc đáo khác của vịnh Xuân Đài là những bãi cát trắng, mịn, sóng êm, rất lý tưởng cho du lịch tắm biển, đặc biệt là Bãi Dài. Người ta gọi là Bãi Dài vì nó là một doi cát chạy theo hình cánh cung có độ dài  trên 5km, được bao phủ bởi rừng dương quanh năm rì rào cùng gió biển. Đoạn từ mũi Cổ Cò đến núi Cột Cờ nằm sát cửa vịnh có nhiều mỏm núi nhô ra ngoài mặt nước, trên núi bốn mùa cây cối tốt tươi, có những mạch nước từ trên cao chảy xuống tạo thành những giếng nước ngọt. Đây là những địa điểm lý tưởng cho những chuyến du lịch dã ngoại ở bờ vịnh Xuân Đài.

Phong cảnh trời mây, non nước Xuân Đài cùng với những đặc sản nổi tiếng ở đây đã làm say lòng biết bao thi nhân lữ khách. Ngoài những món đặc sản biển như ốc nhảy, cà khía, cua, tôm, ghẹ, cá mú… Xuân Đài còn nổi tiếng với ốc vú nàng mà ai đã từng một lần thưởng thức sẽ rất khó quên.

H.T (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.