Multimedia Đọc Báo in

NHỮNG VÙNG ĐẤT VÀ ĐỊA DANH MANG TÊN RỒNG

16:05, 22/01/2012

Ông cha ta xưa luôn coi Rồng là vật thiêng liêng, không những nhận mình là “con Rồng, cháu Tiên”, mà còn lấy chữ Rồng đặt tên cho nhiều địa danh trên khắp miền đất nước.

Hạ Long
Hạ Long

Vùng đất mang tên Rồng vào loại xa xưa nhất đất nước ta có lẽ là đất Long Đỗ- Hà Nội ngày nay. Long Đỗ nghĩa là bụng Rồng, rốn Rồng.

Bên tả ngạn sông Hồng có đất Long Đỗ, thì gần cùng thời, bên hữu ngạn có Long Biên. Nước nhà chưa độc lập, mà trung tâm sinh hoạt của dân tộc cũng chỉ quanh ở đất Rồng này. Cho nên khi nước nhà cường thịnh, Lý Công Uẩn liền ra chiếu dời đô Hoa Lư chật hẹp và hẻo lánh về đây và  tên Thăng Long (Rồng bay lên) được chọn cho thủ đô. Có lẽ chẳng có tên nào phản ánh đầy đủ hơn khí thế hào hùng của dân tộc đang vươn mình lên những đỉnh cao của thời đại như tên gọi này. Thăng Long gắn liền với bao chiến công hiển hách: ba lần đuổi sạch quân Nguyên, một ngày diệt hết quân Thanh...

Ở vùng Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh có núi Long Tu, núi có nhiều cỏ long tu - cỏ râu rồng - sống lâu năm và dùng làm thuốc. Ngoài ra các núi đều có tên là Long, là Rồng đều do tưởng tượng ra cả. Đồ Sơn, nơi nghỉ mát nổi tiếng là một bán đảo hẹp, gồm 9 đoạn, mang hình dáng của con rồng chín khúc, nên được đặt tên là núi Cửu Long. Ban đêm, từ Đồ Sơn trông ra biển, ta thấy một ngọn đèn không bao giờ tắt, đó là đèn biển ngoài đảo Long Châu, soi đường cho tàu biển vào cảng Hải Phòng.

Núi Long Đọi ở mạn đông Nam huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam - đây là một quả núi rất dài, có lẽ do chữ “Long đôi” nghĩa là Gò Rồng, đọc chệch đi. Sử sách còn chép rằng, hằng năm cứ đến mùa xuân, Lê Đại Hành từ kinh đô Hoa Lư ra đây cày những luống cày đầu tiên trên tịch điền - ruộng của vua - để mở đầu cho công việc đồng áng.

Nhưng chắc không có núi nào mang tên Rồng mà nổi danh bằng núi Hàm Rồng ở Thanh Hóa, toàn sa thạch, đứng sừng sững hùng vĩ bên bờ sông Mã, lừng lẫy khắp thế giới với chiến công đã hạ ngót trăm máy bay phản lực đủ kiểu của đế quốc Mỹ thời chiến tranh.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng có hai núi Rồng: Phía tây bắc thị xã có một khối núi gọi là núi Long Tường, xung quanh có nhiều núi nhỏ như chầu lại; ở huyện Đức Thọ có hai ngọn núi liền nhau, ngọn trước cao và nhọn như đầu ngựa, ngọn sau thấp và bằng như lưng ngựa có mang địa đồ và thư tịch nên được gọi là núi Long Mã. Còn miền tây Quảng Bình, núi đá vôi nhiều, có ngọn cao xanh biếc được gọi là núi Thanh Long; huyện Minh Hóa bên bờ sông Gianh có ngọn núi cao, được gọi là núi Long Tị, nghĩa là mũi Rồng.

Thắng cảnh Thừa Thiên - Huế tuy nhiều nhưng không thể không kể đến núi Kim Long. Phía tây huyện Phú Lộc, dưới chân đèo Hải Vân có một mạch núi chạy quanh co như con Rồng lượn, nhân dân gọi nôm na là núi Rồng.

Chợ Rồng - ngôi chợ tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Đây là ngôi  chợ lớn nhất tỉnh Nam Định và lớn thứ hai ở miền Bắc, sau chợ Đồng Xuân, Hà Nội.  Chợ Rồng được xây dựng từ năm 1922 do kỹ sư người Pháp từng thiết kế tháp Effel và cầu Long Biên thiết kế. Sở dĩ có tên gọi như vậy, vì theo phong thủy, vị trí xây dựng chợ nằm giữa hai mắt của con Rồng lượn qua thành phố Nam Định.

Sông Cửu Long - là tên gọi đoạn sông Mekong chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Mekong chia thành hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu, đổ ra biển bằng 9 cửa nên mới có tên gọi là Cửu Long. Sông Cửu Long là con sông đã mang lại phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng Tây Nam Bộ của Việt Nam, vì thế, vùng đất này còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đồng thời nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam... Sông còn là nguồn cung cấp thủy sản và cũng là mạng lưới giao thông quan trọng trong vùng
Một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam vừa được tổ chức New Open World thông báo có mặt trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới- đó là Vịnh Hạ Long. Hạ Long theo nghĩa đen có nghĩa là Rồng bay xuống. Cái tên này gắn liền với một truyền thuyết đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thuyết kể lại rằng ngay từ những ngày đầu lập nước, người Việt đã bị giặc ngoại xâm tấn công theo đường biển. Biết trước được điều này Ngọc Hoàng đã sai Rồng mẹ mang theo một đàn Rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc chuẩn bị ồ ạt tiến vào bờ cũng là lúc đàn Rồng từ trời cao bay xuống. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá ngọc bích trên biển. Những hòn đảo liên kết với nhau tạo nên bức tường thành vững chắc làm đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột, đâm vào các đảo đá và đâm vào nhau vỡ tan tành. Sau khi giặc ngoại xâm bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, Rồng mẹ và Rồng con không trở về trời nữa vì họ đã say mê vẻ đẹp của nước và biển nơi hạ giới. Họ quyết định ở lại chính nơi mà trận chiến đã diễn ra. Vị trí mà Rồng mẹ đáp xuống là Hạ Long và nơi mà Rồng con đáp xuống, cúi đầu chào mẹ của mình chính là Bái Tử Long. Nơi những chiếc đuôi quẫy mạnh được gọi là Bạch Long Vĩ, ngày nay được mọi người biết đến bởi cái tên bán đảo Trà Cổ với bãi cát mịn màng trải dài hơn chục cây số đường bờ biển.

LÊ HỒNG BẢO UYÊN (St- biên soạn)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.