Multimedia Đọc Báo in

Nhà cổ trên cù lao Tân Lộc

09:09, 28/02/2021

Tân Lộc là một cù lao khá lớn có chiều dài trên 15 km, chiều ngang gần 2 km nằm giữa sông Hậu bao la, thuộc  địa phận huyện Thốt Nốt (TP. Cần Thơ).

Theo lời kể của ông Trần Bá Thế (Sáu Thế) là hậu duệ (chắt ngoại) 7 đời của ông Phạm Văn Huấn, người khai phá vùng đất này, nguyên là cựu thần của chúa Nguyễn Ánh thì cù lao Tân Lộc mới xuất hiện (nổi lên mặt nước) cách đây khoảng 400 năm do sự bồi lắng rất nhanh của phù sa cát từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Nguyễn Ánh lúc bị Tây Sơn truy đuổi, khi đi ngang qua cù lao này, thấy được sự trù phú và vị trí chiến lược nơi đây, ông đã cắt cử một số nhỏ quan binh ở lại cù lao làm tai mắt và khai khẩn, tạo cơ sở cung cấp hậu cần khi hữu sự. Lịch sử khai khẩn cù lao Tân Lộc mở ra từ đó.

Một ngôi nhà cổ ở Tân Lộc Đông.
Một ngôi nhà cổ ở Tân Lộc Đông.

Con đường nhựa trên cù lao Tân Lộc chạy dài từ Tân Lộc Tây đến Tân Lộc Đông xuyên qua những khu vườn rợp mát bóng cây xanh. Ở cù lao này hiện vẫn còn lưu giữ khá nhiều ngôi nhà cổ được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ trước. Đây là những ngôi nhà của các vị quan chức, địa chủ giàu có ở Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc xây dựng như là một nơi an dưỡng và nghỉ hưu. Một số nhà cổ có người ở còn khá nguyên vẹn, một số khác bị bỏ hoang nên đã hư hại, xuống cấp trầm trọng. Du khách hãy ghé thăm ngôi nhà cổ của ông Sáu Thế ở ấp Tân An, xã Tân Lộc. Ông Sáu Thế đã trên 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Ông nguyên là Chánh lục sự tòa án Long Xuyên trước năm 1975 nên ông là một kho tư liệu về chuyện cũ của đất Thốt Nốt. Nhà ông Sáu Thế do cụ thân sinh là ông hội đồng Trần Thiên Thoại (Long Xuyên) xây dựng vào năm 1918, có kiến trúc theo phong cách phương Tây, nền bệ cao ốp đá xanh, mái lợp ngói vảy cá, nền lót gạch bông đen trắng xen kẽ. Tường xây gạch thẻ bốn mươi, các cửa sổ hình chữ nhật cao có chấn song sắt và cửa lá sách thẻ; trần nhà cao, tấm la phông bằng nẹp dầu mỏng, đóng khít, được đắp vôi trộn với ô-dước. Với cấu trúc như vậy nên thường các ngôi nhà cổ rất mát mẻ.

Bên trong ngôi nhà của ông Sáu Thế là một bảo tàng mini về cổ vật. Tượng ba ông Phúc - Lộc - Thọ bằng đá, đứng khoan thai ở bàn tiếp khách. Tiến sâu vào bên trong, ở lưng lửng trên trần là những chiếc đèn lồng làm bằng gỗ có phong cách Trung Hoa vào khoảng gần cuối thế kỷ 19, cùng với những cây đèn măng xông thế hệ đầu tiên vào Việt Nam có xuất xứ từ nước Pháp, có cả đèn dầu lửa Hoa Kỳ dùng cho thợ mỏ vào những năm đầu của thế kỷ trước. Du khách còn gặp nhiều tủ cẩn xà cừ, liễn, hoành phi chạm khắc những hình ảnh rất tinh xảo từ con người đến cây cảnh và những tích cổ. Có hai bài thơ chữ Hán trích trong khúc “Thanh bình điệu” của “lưu linh thánh thơ” Lý Bạch được chạm khảm với nét chữ rất tài hoa, phong nhã.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Sáu Thế
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Sáu Thế.

Theo ông Sáu Thế cho biết, ở Tân Lộc ước chừng có khoảng 10 ngôi nhà cổ, đa phần đã bị hư hại ít nhiều. Chúng tôi gặp một vài ngôi nhà hoang phế như nhà của Bộ Nghét, Hội đồng Vàng, nhà của Nghị Văn ở ấp Tân An… Mỗi khi có du khách đến tham quan các ngôi nhà cổ, ông Sáu Thế phải kiêm luôn “hướng dẫn viên” du lịch, thuyết minh miễn phí.                                 

Ở những ngôi nhà cổ nơi cù lao Tân Lộc giữa sông Hậu lộng gió, dấu tích thời gian như còn đọng trên từng ô cửa, phiến gạch khiến khách tham quan hoài niệm về một thời quá khứ xa xôi…

Hoàng Thám  

 


Ý kiến bạn đọc