Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo nón lá bàng xứ Huế

15:06, 13/06/2021

Chiếc nón lá đã trở thành biểu tượng thân thuộc của làng quê Việt. Nón lá thường được làm từ nhiều loại lá như: lá gồi, lá dừa, lá nón, lá kè..., nhưng có lẽ nón làm từ lá bàng thì chỉ có ở xứ Huế.

Không giống những chiếc nón bình thường khác, nón lá bàng trong suốt chỉ che mưa không che được nắng. Tuy nhiên, điều làm nên vẻ đẹp độc lạ của nó là được làm từ chất liệu đặc biệt - xương lá bàng. Lá bàng ngâm trong hơn một tháng rưỡi, đến khi chải ra trong suốt nhìn thấu cả từng gân xương lá thì có thể kết thành chiếc nón. Mảnh lá làm nên chiếc nón phải vừa dai, vừa không bị thấm nước, không bị nhăn khi vò lại. Có như vậy, chiếc nón dù có đi mưa về bao nhiêu lần cũng không bị mốc, giữ được độ trắng mãi và không bị ố vàng.

Nghệ nhân  Võ Ngọc Hùng  chuẩn bị nguyên liệu  lá bàng  làm nón.
Nghệ nhân Võ Ngọc Hùng chuẩn bị nguyên liệu lá bàng làm nón.

Làm nón từ xương lá bàng là ý tưởng độc đáo của nghệ nhân Võ Ngọc Hùng (ở nhà số 36/13 Kim Long, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nhận thấy ở Huế có hai loại nón lá biến tấu rất tinh tế là nón lá trúc chỉ làm từ bột giấy đục màu và nón lá sen từ thịt lá sen tươi có độ ẩm vừa phải, ông Hùng mới nảy ra ý tưởng làm nón từ xương lá bàng. Ông tâm sự: “Tôi vào rừng tìm đủ các loại lá về thử nghiệm, trải qua không ít thất bại sau đó mới tìm được lá bàng rừng để làm ra nón. Sau hơn một tháng rưỡi ngâm lá bàng, nhìn thấy nó phân hủy được mà còn giữ nguyên xương lá, tôi mừng lắm và bắt tay tạo hình nên chiếc nón trong suốt này. Không ngờ, những mảnh lá ghép nên chiếc nón lại tạo nên những đường gân sắc nét và độ trong suốt làm nên vẻ đẹp thanh khiết. Vì vẻ đẹp độc đáo đó mà chỉ một thời gian sau rất nhiều người đã biết đến và tìm đặt mua. Thậm chí có người ở Hà Nội đặt tới 1.000 chiếc nhưng vì số lượng lớn, nguyên liệu lại thiếu nên tôi đành từ chối”.

Những chiếc nón lá trong suốt lạ mắt “cháy hàng”, không kịp làm ra để bán, mặc dù giá không hề rẻ: thấp nhất là 450.000 đồng/chiếc. Ít ai biết rằng đằng sau những chiếc nón mỏng manh ấy là bao công sức của nghệ nhân. Ông Hùng kể: “Nhớ nhất là một hôm tôi trèo hái lá trong rừng bị ngã trên cây cao tầm 3 mét xuống, suýt nữa gãy chân may mà được cứu giúp kịp thời. Hồi ấy, đi cả ngày trời mới tìm được vài ba loại lá có kết cấu xương ổn định để ngâm thí nghiệm. Phải trèo đèo, lội suối vượt hàng trăm cây số vào rừng sâu tận Bình Điền, có khi men theo đường đèo Hải Vân mà chỉ tìm được vài ba loại lá”.

Theo ông Hùng, công đoạn khó khăn nhất để tạo ra chiếc nón chính là ngâm lá. Phải nhiều lần thí nghiệm trên 30 loại lá như lá mít, lá sa kê, lá dương xỉ... thì ông mới tìm được lá bàng rừng là loại lá thích hợp nhất. Lá hái về còn tươi, đem ngâm với dung dịch baking soda. Mỗi ngày, ông đem lá ra chải là nuôi một hy vọng không bị bã ra. Kiên trì đến một tháng rưỡi sau, thì mới chải thành công ra xương lá bàng trong suốt có độ trong nhất định và độ dai bền bỉ. Chưa hết, nhiều lần ngâm ra được lá nhưng do sai kỹ thuật nên một thời gian nón đã bị ố vàng. Ông Hùng lại phải miệt mài suy nghĩ ra cách thức cải biến để giữ được độ trắng mãi. Khâu tạo hình nên chiếc nón cũng rất quan trọng, phải thật tỉ mỉ và khéo léo, mỗi chiếc nón từ 12 – 15 chiếc lá bàng ghép lại sao cho thấy được những đường nét của gân lá mới thể hiện được vẻ đẹp đặc trưng của nón.

Duyên dáng với nón lá bàng. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Xuân Bách
Duyên dáng với nón lá bàng. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Xuân Bách

Khó khăn là vậy, nhưng ông Hùng không bao giờ có ý định bỏ cuộc. Ông tâm niệm: “Tôi tìm tòi sáng tạo nên chiếc nón lá bàng đặc biệt này, là vì mong muốn giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra cũng là góp phần để khách du lịch khi đến tham quan xứ Huế có thêm ấn tượng đặc sắc về Huế”..

Khánh Huyền

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.