Cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tái canh cà phê để phát triển bền vững
Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo doanh nghiệp, nông dân trồng cà phê các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tái canh cây cà phê để phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, trước khi tái canh cây cà phê, các doanh nghiệp, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê cần kiểm tra kỹ mật độ tuyến trùng trong đất để quyết định thời gian luân canh cây trồng khác, tối thiểu phải luân canh 1 năm cây họ đậu cải tạo đất trước khi đưa vào tái canh cây cà phê. Đối với những vùng đất có mật độ tuyến trùng cao phải luân canh từ 3 đến 4 năm, sau đó mới tái canh cây cà phê. Riêng đối với những diện tích cà phê bị sâu bệnh nặng, các địa phương, doanh nghiệp cần kiên quyết không tái canh cây cà phê mà chuyển sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các địa phương, doanh nghiệp, các nông hộ cũng cần sử dụng máy kéo có công suất đủ lớn để đào gốc, rễ, thu gom triệt để gốc, rễ cây cà phê cũ đưa ra khỏi vùng trồng mới, đồng thờ làm đất kỹ để đào hố rộng, sâu (kích thước 0,8 x 0,8 x 0,8 mét), bón lót đủ phân hữu cơ (20 tấn phân gia súc/ ha, ngoài ra sử dụng thêm phân hữu cơ vi sinh, phân xanh), kết hợp với vôi, lân, phá thành hố, lấp đất, ủ phân trước khi trồng cây cà phê, thấp nhất 2 tháng để tạo điều kiện cho bộ rễ cây cà phê phát triển mạnh ngay từ đầu. Các tỉnh Tây Nguyên khi tái canh cây cà phê vối sử dụng các giống vô tính đã được công nhận như giống cà phê TR4, TR5, TR6, TR7, TR8..., cây giống được nhân từ vườn nhân giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống cây công nghiệp do các cơ quan chức năng công nhận, bảo đảm sạch sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn quy định. Qua nghiên cứu cũng như các mô hình trồng thực nghiệm, Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã xác định, các tỉnh Tây Nguyên trồng tái canh cây cà phê tốt nhất là từ 15-5 đến 15-8 hằng năm (đầu mùa mưa) để cây sinh trưởng, phát triển nhanh đủ sức vượt qua mùa khô đầu tiên, đồng thời, trồng xen cây phân xanh theo hàng nhằm chắn gió, tạo nguồn phân xanh bổ sung trong thời kỳ cà phê kiến thiết cơ bản, trồng cây che bóng lâu dài bảo đảm mật độ theo quy định. Sau khi tái canh cây cà phê cần thực hiện chăm sóc tích cực ngay từ khi cây cà phê đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản từ khâu tưới nước, bón thúc phân hóa học, bón bổ sung phân hữu cơ đến tỉa chồi, tạo tán, sới vun phá váng, mở bồn, tủ gốc giữ ẩm, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để sớm đưa vào kinh doanh.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, khi thực hiện đồng bộ, nghiêm ngặt các biện pháp tái canh, chỉ sau 3 năm kiến thiết cơ bản, cà phê vối được trồng trên đất bazan cho thu hoạch đạt gần 3 tấn cà phê nhân/ ha trở lên, với chu kỳ kinh doanh 20 năm. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê như Công ty Cà phê 706, Công ty Cà phê Ia Grai (Gia Lai), Ea Pôk (Dak Lak), Thuận An (Dak Nông) đã thực hiện tốt quy trình tái canh nêu trên với 400 ha cà phê mới trồng từ năm 2005 đến nay đã cho thu hoạch gần 3 tấn cà phê nhân/ ha. Mới đây, Công ty Cà phê Phước An đang thử nghiệm mô hình trồng xen cây ăn quả lâu năm như cây sầu riêng cơm vàng hạt lép, mít nghệ theo băng trong vườn cà phê già cỗi có tác dụng che bóng, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Sau khi cây trồng xen này bắt đầu cho thu hoạch thì tiến hành thanh lý cà phê , trồng luân canh cây màu, đậu đỗ các loại cải tạo đất trong thời gian 2-3 năm để sau đó tái canh cây cà phê trở lại.
Ý kiến bạn đọc