Multimedia Đọc Báo in

Đoàn xã Ea Na (Krông Ana): Thực hiện hiệu quả công tác vay vốn giúp thanh niên phát triển kinh tế

11:18, 11/07/2011

Trong những năm qua, Ban Chấp hành Đoàn xã Ea Na (Krông Ana) đã đứng ra nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển sản xuất , xây dựng mô hình kinh tế một cách có hiệu quả. Tính đến tháng 3-2011, Đoàn xã Ea Na đã giúp 394 hộ được vay vốn với tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng, từ các nguồn vốn như: vốn vùng khó khăn, vốn giải quyết việc làm, vốn nghèo, vốn vệ sinh môi trường… Hiện nay, 100% thôn, buôn của xã đều có tổ vay vốn do tổ chức Đoàn phụ trách, qua đó đã giúp cho 100 thanh niên thoát nghèo.

Nhằm giúp thanh niên phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Ban Chấp hành Đoàn xã đã đẩy mạnh phát động phong trào “Sáng tạo trẻ” như: vận động thanh niên tham gia cải tiến công cụ, từng bước đẩy mạnh việc phát huy các ý tưởng, sáng kiến trong lao động sản xuất, kinh doanh…Đồng thời thông qua các lớp học, các buổi tuyên truyền do Đoàn – Hội tổ chức, Đoàn xã Ea Na đã chủ động nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng đào tạo nghề, vay vốn và giải quyết việc làm tại chỗ, được hướng dẫn kỹ thuật phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên, từ đó có cơ sở để đề ra những chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp và hiệu quả. Đoàn xã Ea Na đã phát động “Thanh niên nông thôn thi đua thực hiện 4 biện pháp mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”; phối hợp với ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng thực tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế của địa phương mà trong đó đoàn viên, thanh niên luôn là người xung kích đi đầu. Nhờ cách làm này, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên như: mô hình nuôi cá của chị Hòa Thị Hằng, thôn Quỳnh Ngọc 1; mô hình nuôi bò đẻ của Y Phia Êban ở buôn Tơ Lơ; hay mô hình chăn nuôi heo thịt của chị H’Duyên Ksơr, buôn Ea Na; sửa chữa kinh doanh điện thoại, vi tính của anh Phạm Bá Chuyên, thôn Thành Công; hàn sì, làm cửa sắt của anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Tân Lập… Từ sự hỗ trợ hiệu quả của Đoàn xã, những đoàn viên thanh niên nói trên đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, xây dựng những mô hình kinh tế mang lại thu nhập ổn định từ vài chục triệu đồng/năm trở lên.

Mô hình nuôi heo của anh Trần Đăng Hoàng, thôn Quỳnh Ngọc 1, xã Ea Na (Krông Ana)
Mô hình nuôi heo của anh Trần Đăng Hoàng, thôn Quỳnh Ngọc 1, xã Ea Na (Krông Ana)
Anh Trần Đăng Hoàng, thôn Quỳnh Ngọc là một trong những thanh niên vay vốn ủy thác. Trước đây gia đình không có vốn phát triển kinh tế, thông qua Đoàn xã Ea Na, anh được vay 20 triệu đồng. Định đầu tư mua bò nhưng do kinh phí đầu tư lớn nên anh được hướng dẫn chuyển sang nuôi heo. Sau hơn 4 năm nuôi heo, cuộc sống gia đình anh Hoàng đã ổn định với mức thu nhập 50 triệu đồng/năm. Anh Phạm Bá Chuyên cũng là một trong những thanh niên được Đoàn xã ủy thác vay vốn 20 triệu đồng để mở mô hình sửa chữa điện thoại, vi tính đã chia sẻ: “Đoàn xã đã tích cực giúp đỡ cho đoàn viên thanh niên về nhu cầu nghề nghiệp và việc làm. Không những ủy thác cho những thanh niên nghèo như tôi được vay vốn, Đoàn xã còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực mà thanh niên quan tâm, giúp đoàn viên thanh niên định hướng để xây dựng mô hình có hiệu quả kinh tế”.

Chị Lê Thị Thu Phương, Bí thư Huyện Đoàn Krông Ana, nhận xét: Đoàn xã Ea Na là một trong những đơn vị đi đầu trên địa bàn huyện trong việc giúp thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Bằng nhiều cách làm, không chỉ nắm bắt nhu cầu của đoàn viên thanh niên, Đoàn xã Ea Na đã chủ động làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội, tìm các ngồn vốn từ các nguồn khác nhằm giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn, giống, cây trồng để thanh niên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Kpă Y Khoa

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.