Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu trên vùng đất khó

06:35, 20/08/2011

Giới thiệu về trang trại của mình, anh Nguyễn Văn Thuần (sinh năm 1979, trú tại thôn Ana, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana) nửa đùa nửa thật: “Anh nhìn chỗ nào sạch cỏ thì đó là trang trại của tôi”. Với bản tính cần mẫn của mình, anh Thuần đã biến một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” trở thành một trang trại tổng hợp theo mô hình V-A-C cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Thuần trên hồ cá của mình.
Anh Nguyễn Văn Thuần trên hồ cá của mình.

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Thuần cho biết, năm 2007 sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Anh là con út trong một gia đình thuần nông có 8 anh chị em, bố mẹ già yếu nên không thể giúp đỡ anh nhiều trong vấn đề khởi nghiệp. Sau khi lập gia đình, gia cảnh lại càng bi đát hơn khi vợ anh cũng là cô thôn nữ không có việc làm ổn định. Không thể bó tay trước hoàn cảnh, cũng trong năm đó anh đã chạy vạy khắp nơi, vay mượn bạn bè, anh em để mua lại vùng đồi trọc gần nhà. Ngày ấy, nhìn triền đồi trọc với đất trắng bạc màu ai cũng ái ngại cho quyết định của anh. Ngay như ông Nguyễn Văn Bắc, bố anh Thuần, một người làm nông lâu năm cũng tỏ ra quan ngại trước ý định cải tạo vùng đất này của anh. Tuy nhiên bằng nhiệt huyết tuổi trẻ cùng những tháng ngày được tôi luyện trong quân ngũ, anh Thuần vẫn quyết tâm theo đuổi bằng hướng đi riêng của mình. Dựa vào triền đồi, anh đã đầu tư hơn 10 triệu đồng đào ao, thả cá. 400m2 mặt nước ban đầu được anh lấy làm hạt nhân, đòn bẩy cho những kế hoạch tiếp theo của mình. Không chỉ giúp lấy ngắn nuôi dài từ lượng cá thu được, hồ nước còn là nơi tích trữ và điều tiết nước để xây dựng mô hình trang trại. Không để trống khoảnh đất nào, giáp với hồ nước, anh Thuần đã dành 100m2  để trồng lúa, quanh hồ anh trồng chuối và măng tre. Với 100m2 ruộng nước, gia đình anh cũng đủ gạo ăn quanh năm. Hơn 200 gốc chuối và gần 200 bụi tre, anh Thuần cũng có thu nhập đều đều từ việc bán chuối quả và măng tre, thân và lá chuối được anh tận dụng làm thức ăn cho cá. Bên cạnh đó, anh Thuần còn tổ chức chuồng trại để nuôi thêm hàng chục con heo, gà. Sau khi đã tạm trút bỏ được gánh nặng miếng cơm manh áo thuở ban đầu, anh Thuần mạnh dạn đầu tư vào cây công nghiệp lâu năm. Đến nay anh Thuần cũng đã có trong tay gần 1 nghìn gốc cà phê bắt đầu cho thu hoạch.

Với quyết tâm và cách làm đúng đắn của mình, anh Nguyễn Văn Thuần đã biến vùng đất khô cằn, sỏi đá thành một trang trại trù phú, cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Nguyễn Văn Thuần thường xuyên đi đầu trong các hoạt động xã hội bởi trước khi đi nghĩa vụ quân sự, hơn 10 năm liền anh là Bí thư Chi đoàn thôn Ana.

Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.