Anh nông dân đam mê chế tạo, cải tiến dụng cụ sản xuất
Không chỉ làm dịch vụ nhà hàng tiệc cưới Ánh Nên, anh Trần Nên (thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) còn là một nông dân thực thụ với 5 ha đất canh tác. Vốn là người hay may mò, sáng tạo, anh Nên đã chế tạo nhiều công cụ phục vụ sản xuất được bà con địa phương ứng dụng thành công.
Anh Nên với chiếc máy đa năng dùng cho gieo trỉa do mình chế tạo. |
Cách đây khoảng 20 năm, phần lớn đất canh tác của bà con xã Hòa Lễ nằm ở bên kia sông Krông Bông (thuộc địa phận Nông trường 718 trước đây). Do không có cầu, việc đi lại và vận chuyển nông sản rất khó khăn, nguy hiểm, mùa mưa những năm 1995 – 1996 đã có 5 người tử vong vì gặp tai nạn khi vận chuyển sản phẩm bằng thuyền qua sông. Tình trạng đó thôi thúc anh Nên nghĩ cách đưa được nông sản qua sông một cách an toàn hơn. Vào thời điểm đó, có thể sử dụng loại máy tời Balan (loại máy có ròng rọc để kéo) nâng hệ thống dây cáp lên cao khỏi mặt nước để đưa sản phẩm qua sông song điều kiện kinh tế của hầu hết hộ dân trong vùng đều không thể mua nổi loại máy này vì chi phí khá cao. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Nên đã nảy ra ý định sáng tạo hệ thống ròng rọc vận dụng quy luật cất vó của ngư dân ở đồng bằng. Anh bàn với mọi người chung tiền mua vật liệu làm hệ thống dây cáp vận chuyển sản phẩm nhưng ai cũng lắc đầu vì sợ thất bại. Không chịu bỏ cuộc, anh quyết định đem chiếc đàn Organ của gia đình thế chấp vay 500.000 đồng mua dây cáp, ròng rọc và vật dụng làm trụ, kết quả anh đã chế tạo thành công hệ thống ròng rọc bắc qua sông để vận chuyển sản phẩm. Nếu như trước đây muốn chở khoảng 300 bao ngô qua sông, nông dân phải mất 50 công, vác qua 50 mét đường dốc xuống bến đò thì từ khi có hệ thống ròng rọc này chỉ hơn nửa ngày đã có thể đưa được toàn bộ 300 bao ngô về đến bờ bên kia, vừa an toàn tính mạng vừa lại không phải tốn sức. Sau khi chứng kiến công năng của hệ thống này, một số nông dân của xã Hòa Tân, thôn Điện Tân (xã Cư Pui) đã học tập và ứng dụng thành công ở địa phương mình.
Cũng nhờ giải quyết được khâu vận chuyển, gia đình anh Nên yên tâm tập trung khai hoang mở rộng diện tích, nhờ vậy gia đình anh đã có 1 ha ruộng nước và 4 ha đất trồng cây hằng năm. Diện tích nhiều, lao động ít, để bảo đảm sản xuất kịp thời vụ và giảm chi phí đầu vào, anh tiếp tục suy nghĩ sáng tạo máy móc và đến thợ cơ khí đặt làm những dụng cụ theo bản vẽ của mình. Anh đã chế tạo thành công chiếc máy đa năng gồm bộ phận rải phân bón lót, rạch hàng, gieo trỉa và tự lấp hàng trên các loại cây trồng cạn, có thể dùng để phun thuốc trừ sâu ít. Khi sử dụng chiếc máy này, hoàn tất các công đoạn cho 1 ha gieo trồng chỉ tốn 1 công lao động và 3 lít xăng, so với làm thủ công thì nông dân lãi thêm 1,3 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn chế tạo máy rải phân cho cây ngô, khi sử dụng nông dân chỉ cần điều khiển bằng tay, năng suất đạt 2 ha/ngày. Song chiếc máy này chỉ sử dụng tốt khi bón lót và bón thúc lần 1, nếu cây ngô lên cao trên 60 cm, khi vận hành sẽ bị vướng dễ làm gãy cây, chỉ thuận tiện cho địa hình bằng phẳng. Do vậy, vì thế anh tiếp tục nghiên cứu cải tiến để cho ra đời dụng cụ rải phân mới dễ sử dụng và tiện lợi hơn, giá thành cũng rẻ hơn, khắc phục được những điểm yếu của máy rải phân trước đó.
Nhờ chế tạo, cải tiến các dụng cụ sản xuất, gia đình anh Nên đã giảm được chi phí đầu vào rất lớn, hiện nay mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên 250 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Cuộc sống ổn định, anh có điều kiện nuôi dạy con cái ăn học, mua sắm được ô tô và các phương tiện sản xuất, sinh hoạt có giá trị.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc