Multimedia Đọc Báo in

Chế biến nông sản: Cần quan tâm đến môi trường

17:42, 13/04/2011

Những năm qua, thực trạng các cơ sở chế biến nông sản đã và đang ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và sự phát triển bền vững của địa phương.

Sản xuất “quên” bảo vệ môi trường
Với đặc trưng là một vùng đất có thế mạnh về phát triển cây cà phê, ca cao, hồ tiêu và các cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn… Do đó, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở chế biến nông sản. Bên cạnh một số cơ sở thực hiện tốt các biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường thì cũng không ít cơ sở chẳng mấy “mặn mà” với công tác này. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta có 15 đơn vị nằm trong Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trong số đó có 12 đơn vị là cơ sở chế biến nông sản như cà phê, cao su, tinh bột sắn, mía đường. Điều này chứng tỏ, quá trình phát triển ngành kinh tế chế biến nông sản đã và đang tác động không nhỏ đến vấn đề môi trường xung quanh, mà nguyên nhân chính vẫn là thiếu kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Thời gian qua, một số cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân như Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Thành Vũ được xây dựng tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (giáp với xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) được đưa vào sử dụng từ năm 2006. Trong quá trình hoạt động, nhà máy này chưa thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ; chưa được cấp giấy phép khai thác nguồn nước; chưa có giấy phép xả thải vào nguồn tiếp nhận và chưa kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định. Theo kết quả kiểm tra tại mương xả nước, các chỉ tiêu BOD, COD vượt hơn 480 lần, chỉ tiêu độc hại cyanur vượt gấp 3 lần cho phép, chất rắn lơ lửng vượt hơn 8 lần. Nghiêm trọng nhất là nhà máy đã xả thải xuống suối Cạn (nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân địa phương) các chất độc hại vượt chỉ tiêu cho phép nhiều lần. Hay Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Quán Quân – Tây Nguyên (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) nước thải ra từ nhà máy đã “đầu độc” các con suối xung quanh khiến đời sống sản xuất, sinh hoạt của hơn 200 hộ dân lân cận gặp rất nhiều khó khăn, phiền toái… Bên cạnh đó, các khu công nghiệp như Tân An, Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) do thiếu đầu tư hệ thống xử lý chất thải đã gây ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Sêrêpôk, hồ Ea Trum và người dân sống xung quanh khu vực này.

Ở các công ty, cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình công nghệ chế biến ướt, do quy trình này cần một lượng nước khá lớn để thực hiện các công đoạn như rửa, phân loại quả, xát tươi, đánh nhớt, rửa nhớt... nên vấn đề xả thải ra môi trường là một điều không tránh khỏi. Để sản xuất ra 1 tấn cà phê nhân phải cần từ 7 đến 10 m3 nước, theo đó một cơ sở sản xuất trong thời kỳ cao điểm, lượng nước thải ra lên đến 1.500 đến 2.000 m3 nước/ngày đêm và nước thải này trực tiếp thải ra ao hồ, dòng chảy tự nhiên. Với những cơ sở sản xuất “quên” xử lý chất thải như trong thời gian qua, thì vấn đề bảo vệ môi trường ở địa phương sẽ đi về đâu và cuộc sống người dân sẽ ra sao trước những thách thức từ ô nhiễm môi trường sống.

Công ty Cao su Dak Lak là đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004
Công ty Cao su Dak Lak là đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004

Nỗ lực cải thiện ô nhiễm môi trường
Trước thực trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các cơ sở chế biến nông sản, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt một số đơn vị như: Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Thành Vũ, Công ty Cà phê Ea Pôk, Công ty Cao su Krông Buk, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Ea Kar (thuộc Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Dak Lak)… Điều này, nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân, mặt khác tạo môi trường sản xuất sạch, sản phẩm chất lượng để phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, nhiều cơ sở đã và đang hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Krông Bông vừa đưa vào sử dụng hệ thống lò sấy  biogas thay cho lò sấy bằng dầu diesel. Trong quá trình sản xuất tinh bột sắn phải thải hàng chục tấn nước thải, phế phụ phẩm khác gây hôi thối khó chịu cho các khu dân cư. Để khắc phục tình trạng này, Nhà máy đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống hầm biogas thu gom toàn bộ chất thải,  phục vụ cho việc sản xuất khí gas, vừa đốt lò sấy tinh bột sắn, điện thắp sáng mà không phải sử dụng dầu diesel như trước. Hệ thống nước thải của Nhà máy đã qua nhiều bể lắng lọc nên không còn mùi hôi thối (đạt chất lượng nước loại B theo TCVN) đưa vào phục vụ tưới cho các loại cây trồng, nuôi cá. Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ea Kar đã đầu tư 9 tỷ đồng để xây dựng mới một số hạng mục công trình xử lý chất thải, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng để thay thế cho những thiết bị cũ. Mua thêm 3 ha đất để xây dựng hồ sinh học và khu xử lý chất thải rắn…

Bên cạnh đó, các đơn vị chế biến nông sản như: Nhà máy đường – Công ty mía đường 333; Xí nghiệp chế biến và dịch vụ cao su Cuôr Đăng – Công ty Cao su Dak Lak; Công ty Cao su Ea H’leo, Công ty Cao su Krông Buk, Công ty Cà phê Tháng 10, Công ty Cà phê Ea D’rao… cũng vừa hoàn thiện hệ thống quy trình xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quy định. Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh cho biết: “Bằng các hình thức như xử phạt, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đến từng cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, thời gian qua đã cải thiện đáng kể các vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề lớn và khó nhất đối với các cơ sở chế biến nông sản bây giờ là thiếu kinh phí, bởi để đầu tư hệ thống xử lý chất thải họ phải bỏ ra khoảng 3-4 tỷ đồng”.  Thiết nghĩ, để việc phát triển ngành chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh không ảnh hưởng đến môi trường, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị và Nhà nước để quá trình phát triển kinh tế luôn đi đôi với việc bảo vệ môi trường.

 

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.