Multimedia Đọc Báo in

Loài cá khổng lồ sông Mekong có nguy cơ bị tuyệt chủng cao?

16:44, 11/12/2011

Mới đây, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã công bố một báo cáo mang tên Mekong- nơi có nhiều loài cá nước ngọt vĩ đại nhất. Qua báo cáo này cho thấy, sông Mekong là nơi hội tụ của 4/10 loài cá nước ngọt lớn nhất hành tinh (Global Top 10 Giant Fishwater fish), nhưng loài cá này lại đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt vong rất cao do trào lưu xây dựng các dự án thủy điện.

Đứng đầu danh sách là Cá đuối gai độc nước ngọt (Freshwater Stingray), tên khoa học là Dasyatis laosensis, kích thước dài bằng nửa chiếc xe buýt, nặng tới 600 kg; xếp thứ 3 trong danh sách là cá da trơn khổng lồ (Pangasianodon gigas), nặng tới 300 kg, chu vi thân 300 cm; đứng thứ 5 trong danh sách là cá tra khổng lồ hay còn gọi là cá da trơn ăn thịt chó, vì người ta thường dùng thịt chó để câu, tên khoa học là Pangasius sanitwongsei, nặng 300 kg, chu vi thân 300 cm; xếp thứ 6 trong danh sách là cá hô khổng lồ (Catlocarpino siamensis), nặng 300 kg, chu vi thân 300 cm.

Nguy cơ tiệt chủng vì thủy điện là có thật
WWF cảnh báo, bốn giống cá khổng lồ nói trên có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nếu như con người tiếp tục xây dựng các đập thuỷ điện trên dòng sông này. Ông Roger Mollot, chuyên gia cá nước ngọt của WWF, trụ sở tại Lào bức xúc cho biết, đây là những loại cá quý hiếm đang được con người bảo tồn nhưng một khi các đập thủy điện được xây dựng thì nỗ lực này của con người sẽ bị vô hiệu hóa, bởi loài cá này không thể bơi qua những đập chắn tới thượng nguồn để sinh sản nên nguy cơ tuyệt chủng là hiện hữu, khó tránh, trường hợp như cá da trơn có kích thước dài tới 3 mét và nặng trên 300kg là một ví dụ. Theo nghiên cứu của WWF, phần lớn các loại cá đuối, cá da trơn kích thước khổng lồ thường di cư từ hồ Tonle Sap (Campuchia), ngược dòng Mekong lên phía Bắc của Thái Lan và Lào để sinh đẻ, nhưng gặp các đập thủy điện chúng buộc phải quay lại. Theo số liệu thông báo, dự kiến có khoảng 11 đập thủy điện sẽ được xây dựng tại hạ lưu sông Mekong. Ngoài việc gây cản trở việc di cư của các loài cá, những đập thủy điện kiểu này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các quốc gia thành viên thuộc Ủy ban sông Mekong (MRC) vì vậy MRC khuyến cáo các quốc gia cần xem xét kỹ trước khi quyết định xây dựng các dự án này. Ngoài ra,  việc xây dựng các dự án trên sông Mekong còn gây ảnh hưởng lớn đến khí hậu trong khu vực, đến sản xuất nông nghiệp và nghề cá của các quốc gia liên quan, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được xem là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Top 10 loài cá nước ngọt lớn nhất  (theo WWF)
1. Cá đuối gai độc nước ngọt khổng lồ (Himantura chaophraya), nặng 600kg.
2. Cá tầm thìa (Psephurus gladius), nặng 500kg (chu vi thân 700cm) lưu vực sông Dương Tử, Trung Quốc.
3. Cá da trơn khổng lồ Mekong (Pangasianodon gigas), nặng 350kg (chu vi thân 300cm).
4. Cá da trơn Wels (Silurus glanis), nặng 306kg (chu vi thân 500cm) sống ở hồ ở châu Âu và châu Á
5.Cá tra (cá da trơn ăn thịt chó) (Pangasius sanitwongsei), nặng 300kg (chu vi thân 300cm)
6. Cá hô khổng lồ (Catlocarpio siamensis), nặng 300kg (chu vi thân 300cm)
7. Cá Arapaima (Arapaima gigas), nặng 200kg (chu vi thân 450cm)
8. Cá Piraiba (Brachyplatystoma filamentosum), nặng 200kg (chu vi thân 360cm)
9. Cá rô sông Nile (Lates niloticus), nặng 200kg (chu vi thân 200cm), lưu vực sông Nile
10. Các sấu mõm dài (Atractosteus spatula), nặng 137kg (chu vi thân 305cm), lưu vực sông Mississippi

Vài nét về sông Mekong
Mekong là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra biển Đông ở Việt Nam. Tính theo độ dài đứng thứ 12 (thứ 7 tại châu Á), còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới (lưu lượng hằng năm đạt khoảng 475 triệu m³). Lưu lượng trung bình 13.200 m³/s, vào mùa nước lũ có thể lên tới 30.000 m³/s. Lưu vực của nó rộng khoảng 795.000 km² (theo số liệu của MRC hoặc hơn 810.000 km² (theo số liệu của Encyclopaedia Britannica 2004). Sông này xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Các quốc gia kể trên (trừ Trung Quốc) nằm trong Ủy ban sông Mekong hay MRC. Giao thông bằng đường thủy trên sông Mekong gặp nhiều khó khăn do dòng chảy bị thay đổi nhiều theo mùa, các đoạn chảy xiết và các thác nước cao. So với tiềm năng to lớn nếu được khai thác đúng mức, hiện nay, chỉ một phần nhỏ của sông được dùng trong việc dẫn thủy nhập điền và tạo năng lực thủy điện. Tuy nhiên lưu lượng và nhịp độ nước lũ ban phát nhiều lợi ích, biên độ dao dộng cao (sai biệt khoảng 30 lần giữa mùa hạn và mùa nước lũ) đem lại nhiều lợi ích cho lối canh tác ruộng lúa ngập cho nhiều vùng rộng lớn. Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mekong là vai trò điều tiết  dòng nước bởi hồ Tonle Sap, hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

Khắc Nam (Theo WP/WWF- 10/2011)


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Dự kiến 68 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk sau sáp nhập
Tại Hội nghị chuyên đề lần thứ 115, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn thống nhất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, sắp xếp 180 đơn vị hành chính cấp xã cũ thành 68 đơn vị hành chính cấp xã mới; gồm 7 phường, 61 xã.