Giữa phố vẫn “khát” nước sạch !
Năm 2007, người dân thôn Quỳnh Tân 2 (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) được thông báo đóng tiền để xây dựng hệ thống nước sạch. Thế nhưng đã 5 năm qua, họ vẫn phải sống trong tình trạng “khát” nước sạch, và càng “khát” nghiêm trọng hơn mỗi khi mùa khô tới…
Suốt gần 2 tháng mùa khô vừa qua, hằng ngày mọi người trong gia đình ông Trần Ngọc Ngợi (thôn Quỳnh Tân 2) phải thay phiên nhau đi chở nước về dùng cho sinh hoạt. Ông kể: “Gia đình tôi có giếng đào, nhưng vì nhà ở khu vực đồi cao nên mùa khô giếng cạn, phải đi xin nước của các gia đình nằm ở dưới chân đồi (thấp hơn 5-10m). Mỗi ngày, nhà tôi dùng xe cải tiến đi kéo nước vài ba lần, mỗi lần 7-8 can nước, nhưng cũng chỉ đủ để ăn uống còn việc tắm rửa, giặt giũ phải đến nhờ cậy nhà người quen, cuối tháng phụ thêm tiền điện bơm nước cho họ....”. Không chỉ riêng gia đình ông Ngợi, quanh xóm có đến chục gia đình đều trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Thế nên, năm 2007 khi nghe chính quyền địa phương kêu gọi đóng tiền để xây dựng hệ thống nước sạch bà con rất phấn khởi, trước mắt mỗi hộ đóng 220 nghìn đồng, sau khi công trình triển khai các giai đoạn kế tiếp thì sẽ tiếp tục thu. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, hóa đơn đóng tiền của bà con để lâu đã mờ cả chữ mà nước sạch vẫn “xa tít mù khơi” và điệp khúc thiếu nước vẫn tái diễn từ mùa khô này đến mùa khô khác. Ông Bùi Đình Hợp, trưởng thôn Quỳnh Tân 2 cho biết: “Tổng số tiền bà con đã đóng để làm công trình nước sạch là 34 triệu đồng, song chờ mãi chúng tôi vẫn không thấy khởi công xây dựng. Quá sốt ruột, bà con đi hỏi chính quyền địa phương thì được trả lời là còn vướng mắc ở nhiều khâu nên công trình chưa thể thực hiện (?!).
Hiện tại, ở thôn Quỳnh Tân 2, những hộ có điều kiện thì khoan giếng, còn phần đông vẫn dùng nước giếng đào. Ngoài bất tiện do thiếu nước vào mùa khô thì người dân còn canh cánh nỗi lo về chất lượng nguồn nước. Ông Hợp cho biết thêm: “Thời gian trước, chúng tôi có thấy vài đoàn cán bộ không rõ của đơn vị nào về thôn khảo sát rồi cho biết nguồn nước đang dùng có hàm lượng sắt, chì, đồng cao hơn mức cho phép. Trên thực tế, việc nước có hàm lượng kim loại vượt quá mức cho phép hay không thì phải do cơ quan chức năng kiểm tra và có trách nhiệm thông báo với dân, còn nhìn bằng mắt thường nước vẫn trong. Thế nhưng, trong hai năm 2010-2011 trong thôn có 8 trường hợp chết vì bệnh ung thư, điều này khiến bà con thêm lo lắng vì không biết nguyên nhân có phải do nguồn nước không đạt tiêu chuẩn và càng mong sớm có nước sạch để dùng”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Năng Lưu, Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp cho biết, không chỉ người dân thôn Quỳnh Tân 2 mà 15 thôn, buôn, tổ dân phố của thị trấn đều ở trong tình trạng này. Dự án cấp nước sạch của thị trấn Buôn Trấp được khởi động cách đây gần 6 năm với 2 gói thầu: gói thứ nhất là nhà máy và hệ thống ống chính, gói thứ hai là hệ thống ống nhánh rẽ kéo đến nhà dân. Gói thầu thứ hai do UBND thị trấn làm chủ đầu tư, kêu gọi người dân đóng góp nhưng sau đó việc chuyển chủ đầu tư lòng vòng suốt 5 năm qua đã làm cho công trình bị chậm trễ. Hiện tại, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh đã tiếp nhận công trình triển khai hệ thống ống nhánh rẽ, đấu nối vào hộ dân. Theo kế hoạch, gói thầu này sẽ được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn I dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay sẽ cấp nước cho khoảng 35% trong tổng số gần 5.000 hộ dân của thị trấn và ưu tiên cho 8 tổ dân phố. Còn lại các thôn, buôn khác, trong đó có Quỳnh Tân 2 nằm trong giai đoạn II, chưa biết khi nào sẽ triển khai!(?) Đề cập đến chất lượng nguồn nước các hộ dân thôn Quỳnh Tân 2 đang sử dụng, ông Lưu khẳng định: “Thực tế, việc người dân có những thông tin nguồn nước nhiễm hàm lượng kim loại vượt quá mức cho phép từ đâu chúng tôi cũng không rõ, UBND thị trấn vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ ngành chức năng về vấn đề này.”
Có nước sạch phục vụ sinh hoạt là nhu cầu chính đáng của người dân thôn Quỳnh Tân 2 nói riêng và các tổ dân phố, thôn, buôn trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp nói chung. Vì những vướng mắc trong quá trình thi công mà công trình chậm tiến độ, trong khi đó chính quyền lại thu tiền của người dân quá sớm gây tâm lý chờ đợi, mất lòng tin. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có phương án thực hiện cụ thể hơn để sớm đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc