Multimedia Đọc Báo in

Xử lý quảng cáo, rao vặt trái phép: Nhiều thách thức!

08:36, 18/08/2013

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự xuất hiện của các loại hình quảng cáo cũng gia tăng đáng kể. Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có không ít tổ chức, cá nhân biến những hàng cây xanh ven đường, bức tường, trụ điện… thành nơi quảng cáo! Điều này đã gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, văn hóa đô thị.

Muôn kiểu quảng cáo, rao vặt

Quảng cáo là nhu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường, qua đó nhằm giới thiệu những dịch vụ, sản phẩm để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo tràn lan, bừa bãi thời gian qua đã làm mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân. Từ các điểm công cộng như nhà chờ xe buýt, cột điện, cây xanh đến các biển báo chỉ đường, tường nhà, cơ quan… vẫn đầy rẫy những mẫu quảng cáo, rao vặt được dán hoặc phun sơn với đủ thứ nội dung, từ tuyển nhân viên, bán nhà đất, lắp Internet đến khoan cắt bê tông, hút hầm cầu… Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các khu vực trung tâm, nơi nhiều người qua lại mà còn ở các con hẻm nhỏ. Bà Nguyễn Thị Tứ (phường Tân Tiến) cho biết: “Nhà tôi nằm trong hẻm nhỏ mà lúc nào cũng thấy các tờ giấy quảng cáo bán đất, hút hầm cầu, lắp đặt Internet… dán đầy bên hông tường. Do thấy mất vệ sinh nên tôi đã nhiều lần xé bỏ, nhưng cũng chỉ một vài ngày sau lại  thấy các tờ quảng cáo khác, thậm chí là họ còn phun sơn lên tường. Không biết tình trạng này sẽ diễn ra đến khi nào nữa”. Có thể nói, ở bất cứ nơi đâu miễn là thuận mắt người xem thì nơi đó có quảng cáo, rao vặt, đặc biệt vào dịp lễ, tết, nghỉ hè khi các cửa hàng, cơ sở kinh doanh tung ra nhiều chiến dịch quảng bá, khuyến mãi sản phẩm. Theo nhiều người cách quảng cáo hiệu quả, ít tốn kém nhất là phân phát tờ rơi. Ở khu vực các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, diễn ra tình trạng một vài người len lỏi vào dòng người, xe dưới lòng đường để phát tờ rơi không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mà còn gây mất mỹ quan đô thị. “Nhiều lần đang dừng xe chờ tín hiệu đèn xanh ngã tư Lê Duẩn – Nguyễn Công Trứ, một vài thanh niên cầm xấp tờ rơi đi phát cho từng người, dù tôi cố tình không nhận họ vẫn nhét vào giỏ xe. Điều đáng nói là có người vừa cầm đã vò đi rồi vứt xuống lòng đường”, chị Nuyễn Thị Dung (phường Tân Thành) bức xúc nói.

Đoàn viên, thanh niên Thành Đoàn Buôn Ma Thuột ra quân xóa biển quảng cáo, rao vặt trên đường phố.
Đoàn viên, thanh niên Thành Đoàn Buôn Ma Thuột ra quân xóa biển quảng cáo, rao vặt trên đường phố.

Nhu cầu về thông tin, quảng cáo của người kinh doanh, buôn bán là chính đáng, tuy nhiên việc quảng cáo, rao vặt tùy tiện trên đường phố đã và đang làm xấu cảnh quan đô thị, thậm chí là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, nhiều người quảng cáo có những “chiêu” đối phó ngày càng tinh vi như thay vì dán các mẩu quảng cáo trên các bức tường, trụ điện hoặc các vị trí thấp, thì lại sơn, treo hoặc dán ở những vị trí cao hơn nên việc bóc, gỡ, xóa trở nên khó khăn, cần nhiều kinh phí.

Nan giải việc xử lý

Những năm qua, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo, rao vặt trên địa bàn thành phố. Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố thường xuyên phối hợp với Thành Đoàn Buôn Ma Thuột tổ chức ra quân xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép trên các tuyến đường. Đồng thời, các Đoàn phường nhận phụ trách từng tuyến đường và chịu trách nhiệm giữ gìn vệ sinh. Hằng tháng tổ chức các buổi tháo dỡ quảng cáo, rao vặt trái phép trên đoạn đường tự quản và tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đến các hộ gia đình không phát tờ rơi, quảng cáo, rao vặt trái quy định. Bên cạnh ngăn chặn, xử lý tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép, thành phố cũng đã xây dựng 41 bảng thông tin, quảng cáo, miễn phí trên các tuyến đường chính để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do ý thức chưa cao cũng như nhu cầu muốn mở rộng địa bàn quảng cáo của một số tổ chức, cá nhân nên vẫn diễn ra tình trạng lén lút dán quảng cáo, rao vặt trên các tuyến phố, cụm dân cư.

Mặc khác, việc sơn, dán mẫu quảng cáo, rao vặt thường diễn ra vào ban đêm và ngày nghỉ nên cơ quan chức năng khó kiểm soát và xử lý. Nhiều trường hợp phát tờ rơi dù bị lập biên bản xử lý tại chỗ vẫn tiếp tục tái phạm. Ông Đoàn Văn Thống, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Việc các quảng cáo, rao vặt, phát tờ rơi trái quy định hiện nay rất phức tạp, tập trung ở địa bàn nội thành. Có những đối tượng vi phạm nhiều lần, bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt, buộc phải tháo gỡ và viết cam kết không tái phạm, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Để xử lý các trường hợp này, chúng tôi đã có kiến nghị với Sở Thông tin – Truyền thông cắt gần 50 thuê bao điện thoại được in trên mẫu quảng cáo vi phạm nhưng hiện nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía đơn vị này. Do đó, việc chấn chỉnh và xử lý các vi phạm hiện gặp rất nhiều khó khăn”.

Được biết, sau 2 năm triển khai thực hiện “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị” trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (tháng 5-2011 đến tháng 5-2013), các cơ quan chức năng đã phát hiện 50 trường hợp phát tờ rơi không đúng nơi quy định, trong đó xử phạt 40 trường hợp, thu hàng chục triệu đồng và hơn 800m2 băng rôn cũ… Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, số tiền xử phạt trong lĩnh vực này là hơn 30 triệu đồng. Hiện nay, với quyết tâm xóa bỏ biển quảng cáo, rao vặt trái phép, UBND thành phố vừa phân cấp cho các xã, phường thành lập tổ kiểm tra liên ngành để xử lý các trường hợp vi phạm.

 Thiết nghĩ, để thành phố ngày càng sáng – xanh - sạch - đẹp, văn minh thì mỗi người dân cần ý thức hơn về bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo cần chấp hành đúng quy định như thực hiện tại những địa điểm cho phép quảng cáo, tuân thủ các quy định quảng cáo theo hướng dẫn của các ngành chức năng.

Mục 5 điều 29 Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm về địa điểm, vị trí quảng cáo trong hoạt động văn hóa: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng đối với mỗi áp - phích, tờ rơi, tờ gấp quảng cáo không đúng nơi quy định, không ghi rõ số lượng, nơi in… Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định; viết, vẽ, dán, quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi tái phạm và hình thức xử phạt bổ sung là cắt liên lạc điện thoại đối với hành vi này.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.