Multimedia Đọc Báo in

Nguồn nước đập Ea Kut bị ô nhiễm nghiêm trọng

15:27, 04/11/2013
Theo phản ánh của người dân thôn Ea Tu (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng), hơn một tháng nay, hàng chục hộ dân trong thôn phải hứng chịu sự ô nhiễm không khí và nguồn nước thải từ đập Ea Kut trên địa bàn thôn.
 
Con đập này được xây dựng cách đây gần 5 năm, thời gian trước, nguồn nước trong đập vốn rất xanh trong nên nhiều hộ dân trong thôn thường đến lấy nước về dùng, nhưng đến cuối tháng 9-2013, Nông trường Hồ Lâm (Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Sim) trong quá trình chế biến cà phê đã trực tiếp xả chất thải vào đập nên nguồn nước luôn có mùi thối nồng nặc, cáu bẩn. Ông Bùi Văn Côi, một người dân đang hái cà phê cạnh đập Ea Kut bức xúc nói: “Từ khi vào vụ thu hoạch cà phê năm nay, Nông trường Hồ Lâm đã nhiều lần xả nước và chất thải vào đập thường vào ban đêm, khiến người dân rất bức xúc. Điều đáng nói là cơ sở chế biến này nằm ở đầu nguồn nước nên khi xả chất thải xuống đập sau một vài hôm là cả con đập dài mấy km đều bị ô nhiễm. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, chúng tôi e rằng, chưa hết vụ cà phê năm nay thì đập ở đây đã trở thành bãi sình lầy. Hơn thế, chúng tôi lo nhất là nguồn nước cà phê và mạch nước ngầm trong giếng khoan của các gia đình gần đập sẽ bị nhiễm bẩn trước tình trạng xả thải không qua xử lý như thế này”. Trong khi đó, chính quyền xã Dliê Ya lại không hề hay biết sự việc này, ông Vũ Anh Tuấn cán bộ văn phòng UBND xã Dliê Ya cho hay, thôn Ea Tu vừa mới được tách ra từ buôn Dliê Ya A, gồm 79 hộ, 289 khẩu. Do nằm cách trung tâm xã hơn 15km và người dân cũng chưa có đơn kiến nghị lên chính quyền nên xã không biết tình trạng ô nhiễm này.

 

 Đập  Ea Kut  bị ô nhiễm nghiêm trọng  do  chất thải từ  quá trình chế biến  cà phê của  Nông trường  Hồ Lâm.
Đập Ea Kut bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải từ quá trình chế biến cà phê của Nông trường Hồ Lâm.

Anh Hà Văn Đại một người dân sống cạnh đập Ea Kut chia sẻ: trước đây ai gọi đi làm cỏ, hái cà phê thuê anh đều nhận lời, nhưng mấy hôm rồi  anh đành từ chối vì rẫy ở khu vực gần đập có mùi hôi thối từ chất thải không thể chịu đựng được. Anh Đại còn cho biết, nhiều hôm đi qua đập Ea Kut, anh vớt được hàng chục kg cá chết nổi trên mặt nước, có con nặng tới 4-5kg. Đem sự bức xúc của người dân phản ánh lại với Nông trường Hồ Lâm, chúng tôi nhận được sự giải thích của ông Nguyễn Viết Nhị, Giám đốc nông trường là thời gian qua, đơn vị đang vận hành thử nghiệm hệ thống máy chế biến (Tổng công ty chuyển giao) nhưng do hệ thống xử lý chất thải chưa hoàn thành nên  có xả thải ra môi trường. Việc xả thải vào nguồn nước ở đập Ea Kut nông trường sẽ rút kinh nghiệm…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.