Multimedia Đọc Báo in

Chỉ vì thiếu... nước thải!

08:36, 02/12/2013
Khu công nghiệp Hòa Phú được thành lập năm 2008 với tổng diện tích 181,73 ha. Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, trong đó có việc hoàn thành hệ thống hạ tầng, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong khu công nghiệp nhằm bảo đảm về vấn đề môi trường.
 
Theo đó, năm 2010, trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Hòa Phú đã được khởi công xây dựng với hệ thống xử lý nước thải có công suất 2.900 m 3/ngày đêm, mức giá xử lý là 6000 đồng/m 3 nước ngày đêm. Theo yêu cầu, các doanh nghiệp phải xử lý ban đầu để nước thải đạt loại B, sau đó hệ thống sẽ xử lý cho nước thải đạt loại A, đủ điều kiện thải ra môi trường.
Một góc hệ thống xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Hòa Phú.
Một góc hệ thống xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Hòa Phú.

Tuy nhiên, giai đoạn 1 của hệ thống xử lý nước thải tập trung đã hoàn thành việc xây lắp hơn 1 năm nay với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể tiến hành nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Nguyên nhân là không đủ lượng nước thải để bảo đảm cho việc chạy thử nghiệm về công suất. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú, thuộc Ban Quản lý dự án các khu công nghiệp của tỉnh, đơn vị làm chủ đầu tư cho biết rõ hơn: Tính đến thời điểm hiện tại, lượng nước thải các doanh nghiệp đăng ký xử lý qua hệ thống xử lý nước thải tập trung của Công ty vào khoảng 200 m3 nhưng thực tế mới chỉ có 20 m3/ngày đêm cần xử lý, mà chủ yếu là nước thải sinh hoạt. Lý do là bởi những doanh nghiệp có lượng nước thải sản xuất lớn thì đã đóng cửa hoặc hoạt động theo thời vụ do kinh doanh khó khăn, còn những doanh nghiệp hoạt động thường xuyên thì lượng xả thải ít. Chính vì không đủ lượng nước thải để vận hành thử theo công suất nên hệ thống xử lý xây dựng xong đã lâu nhưng chưa được nghiệm thu.

Để hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, anh Lê Hồng Vĩnh, Giám đốc Công ty Công nghệ môi trường và dịch vụ tư vấn TP. Hồ Chí Minh, đơn vị thi công cho hay: Cùng với việc tích số nước thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, gần đây đơn vị phải tự tạo ra nước thải bằng cách đi “xin” nước thải ở một số đơn vị sản xuất như xí nghiệp chế biến cà phê của Công ty Cà phê Trung Nguyên; phải mua các chất tạo bẩn để làm thành nước thải, bảo đảm chạy thử theo công suất thiết kế. Riêng khoản chi phí này, hiện đơn vị đã hết hơn 100 triệu đồng.

Dự kiến trong tháng 12-2013, công đoạn chạy thử nghiệm công suất sẽ hoàn tất. Trao đổi về việc khi hệ thống xử lý nước thải tập trung này sau khi được nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng, làm sao để phát huy hiệu quả khi lượng nước thải hiện tại trong khu công nghiệp còn khá khiêm tốn so với công suất thiết kế, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú cho biết: Theo thiết kế, với công suất xử lý 2.900 m3/ngày đêm nhưng nếu xử lý 700-800 m3/ngày đêm thì đã là điểm hòa vốn. Nhưng trước tình hình chưa đủ lượng nước thải xử lý so với công suất hiện nay, cùng với việc mong mỏi có thêm nhiều dự án, doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng và hoạt động tại khu công nghiệp, Công ty cũng sẽ tính toán trên cơ sở phát huy tối đa nguồn vốn Nhà nước bỏ ra. Cụ thể, trước mắt không đủ lượng nước xử lý theo công suất, để duy trì hoạt động, hệ thống sẽ tích nước thải cứ đạt mức khoảng 500 m3 là đã có thể vận hành để xử lý.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ có ý kiến đề xuất với các cấp quản lý để được hoạt động theo dạng dịch vụ xử lý nước thải, tức là xử lý nước thải cho những doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khi họ có nhu cầu. Điều này vừa tránh lãng phí không vận hành hết công suất, đơn vị có thêm khoản thu đóng góp vào ngân sách cho Nhà nước, đồng thời cũng góp phần giải quyết bài toán cho một số doanh nghiệp trong vấn đề xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.