Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014

09:31, 25/08/2014

Là tỉnh có hệ thống sông, suối khá dày và phức tạp nên hằng năm vào mùa mưa, Dak Lak luôn phải đối mặt với nguy cơ lũ, lụt gây hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống lụt bão hạn chế tối đa thiệt hại do bão, lụt gây ra là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. 

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCLB-TKCN), năm 2013 ước tính thiệt hại do lũ lụt và lốc tố gây ra là 337,6 tỷ đồng. Trong đầu mùa mưa năm 2014, mưa lớn đã gây ngập lụt trên 5.700 ha lúa và ngô vụ hè thu ở các huyện Lak, Krông Ana, Krông Bông, Ea Súp, thiệt hại ước tính trên 30,3 tỷ đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Với phương châm “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay từ đầu năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành kiện toàn Ban chỉ huy PCLB – TKCN các cấp, xây dựng kế hoạch, phương án PCLB – TKCN năm 2014. Theo đó, để chủ động việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Trong khi các dự án chưa hoàn thành, một số khu dân cư hiện vẫn nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh, chủ yếu là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng phương án cứu hộ, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm về thiên tai trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, với dự án quy hoạch phân vùng thiên tai trên địa bàn Dak Lak, tỉnh cũng đã xác định được các vùng trọng điểm về các loại hình thiên tai nguy hiểm như sạt lở đất, bờ sông, lũ và ngập lụt nhằm triển khai kế hoạch di dân ra khỏi vùng ngập lụt ở các địa bàn Ea Súp, Krông Bông, Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Ana. Mặt khác, các cấp, ngành cũng đã kiểm kê, rà soát số lượng, chủng loại và chất lượng thiết bị, phương tiện cứu hộ do đơn vị quản lý. Hàng nhu yếu phẩm dự phòng do Sở Công thương thực hiện và được bố trí chủ yếu ở các kho thuộc các huyện vùng trọng điểm ngập lụt nhằm đề phòng địa bàn bị chia cắt, trong đó, thuốc chữa bệnh đã dự trữ 25 cơ số tại Công ty dược vật tư y tế, và hóa chất khử trùng dự trữ được bố trí tại kho của Trung tâm y tế dự phòng các huyện có nguy cơ cao về lũ lụt; kinh phí dự phòng cho công tác PCLB đã được UBND tỉnh bố trí trong ngân sách cấp cho địa phương. Sở Công thương cho biết, sở đã làm việc xong với các doanh nghiệp về vấn đề cung ứng, dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm cho công tác PCLB – TKCN, đến thời điểm này cơ bản đã hoàn tất, gồm: hơn 2.000 thùng thực phẩm được dự trữ tại các siêu thị như: Co.op Mart, Metro và một số đại lý khác; 100 tấn gạo dự trữ tại 8 đại lý; nước đóng chai ở các huyện bảo đảm cung ứng đầy đủ; Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên sẽ bảo đảm cung ứng về xăng dầu…

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang sơ tán dân ra khỏi vùng ngập lụt  ở huyện Ea Súp năm 2013.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập lụt ở huyện Ea Súp năm 2013.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các sở, UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan trên địa bàn kiểm tra toàn diện hiện trạng, mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn, chỉ đạo vận hành hồ chứa theo quy trình. Đối với các công trình xung yếu, có kế hoạch tu sửa, điều tiết nước hợp lý, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; với các công trình đang thi công, yêu cầu các đơn vị có phương án vượt lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình. Đến nay, các địa phương, đơn vị đã thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ và có giải pháp bảo đảm an toàn tạm thời khi có mưa lũ; có 8/13 đập thủy điện xây dựng và phê duyệt phương án phòng chống lụt bão cho đập. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1707/QĐ-UBND về thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão công trình Krông Buk hạ, huyện Krông Pak. Theo đó, trong suốt mùa mưa lũ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão công trình phải tổ chức thường trực theo chế độ 24/24 giờ; thông báo thường xuyên và kịp thời diễn biến tình hình về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh, UBND các huyện về các nội dung: mưa lũ tại lưu vực công trình; dự kiến lũ tại công trình và vùng hạ du; mực nước và lưu lượng nước lũ tháo qua công trình; những sự cố của công trình…, đề xuất biện pháp xử lý và mức hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt để bảo đảm an toàn cho công trình…

Theo Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị để ứng phó với mọi tình huống xấu trong mùa mưa bão năm nay cơ bản đã hoàn tất. Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ thì các địa phương còn tổ chức tuyên truyền đến các thôn làng, tổ, đội… các biện pháp ứng phó với bão, lũ như chèn chống nhà cửa, không qua lại các sông, suối lớn, không ngủ qua đêm tại rẫy trong thời gian có bão, mưa to, gió lớn; nhanh chóng thu hoạch vụ mùa ở những diện tích hay bị ngập lụt để tránh thiệt hại…Trong đợt ngập lụt vừa qua, huyện Ea Súp đã phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, nhanh chóng di dời an toàn một số nhà dân ở vùng trũng thuộc các xã Ea Rôk, Ea Bung và Ya Jlơi bị ngập sâu, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.