Các hợp tác xã tham gia hoạt động dịch vụ môi trường: Lực bất tòng tâm!
Cùng với các lĩnh vực kinh doanh khác, dịch vụ môi trường là một hoạt động đã và đang được nhiều hợp tác xã (HTX) quan tâm và tiếp cận với mong muốn góp phần xây dựng môi trường sống trong lành hơn tại địa phương. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên hoạt động này của các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tại xã Ea Kiết (Cư M’gar), đặc biệt là khu chợ Ea Kiết, trước đây tình hình rác thải khiến chính quyền địa phương và người dân rất trăn trở. Là khu vực tập trung đông số hộ tiểu thương kinh doanh cộng với mật độ dân cư khá lớn khiến lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày không hề nhỏ. Ước tính trung bình mỗi ngày, lượng rác thải ra khoảng 1,2 - 1,5 tấn. Phương tiện thu gom, xử lý hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, đơn giản khiến rác thải ùn ứ, lâu ngày bốc mùi hôi, gây ô nhiễm, mất cảnh quan khu dân cư. Trước thực trạng đó, thể theo nguyện vọng của xã viên, HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kiết đã đề nghị chính quyền địa phương cho đứng ra thành lập tổ dịch vụ môi trường. Theo đó, toàn bộ rác sau khi thu gom sẽ được vận chuyển, tập kết về bãi rác nằm xa khu dân cư, đã được UBND xã quy hoạch cách trung tâm xã khoảng 5 km. Chưa có xe chuyên dụng nên HTX đã dùng xe ôtô tải của HTX để vận chuyển rác. Mặc dù dịch vụ này đã làm cho đường làng ngõ xóm, chợ búa sạch sẽ hơn nhưng việc thay đổi nhận thức để người dân tham gia cũng phải từng bước. Với mức phí 20.000 đồng/tháng/hộ, hiện tổ dịch vụ môi trường của HTX mới vận động được hơn 60% số hộ tham gia và thực hiện việc đóng phí. Theo Ban Giám đốc HTX, ngay từ khi xây dựng đề án làm dịch vụ thu gom rác thải, ước tính mỗi tháng lỗ 3 triệu đồng nhưng HTX vẫn làm. HTX phải dùng nguồn quỹ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của đơn vị là sản xuất cà phê bền vững để bù lỗ, hỗ trợ cho hoạt động này.
“Xe rác” của HTX Ea Sang thu gom rác trên trục đường chính liên xã. |
Tương tự, HTX Nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Ea Sang ở buôn Ea Sang, xã Ea H’đing (Cư M’gar) vừa qua cũng đã mở rộng ngành nghề, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực môi trường. Do khó khăn về nguồn vốn nên phương tiện thu gom rác của HTX, đơn giản chỉ là một chiếc máy cày. Chính quyền địa phương cũng quan tâm nhưng kinh phí eo hẹp nên cơ chế chính sách hỗ trợ cũng mới chỉ dừng lại ở việc trang bị một số ít dụng cụ lao động. Hiện HTX mới thực hiện việc thu gom rác dọc theo trục đường chính liên xã, chưa mở rộng thu gom rác thải đến các thôn, buôn. Vì thiếu bến bãi, máy xúc, cũng như hạn chế về kỹ năng xử lý tái chế nguyên liệu rác thải nên HTX phải chấp nhận tốn thêm chi phí vận chuyển cũng như bỏ phí cơ hội làm tăng thu nhập cho xã viên từ việc tạo sản phẩm hữu cơ sạch từ rác. Khó khăn trong vốn đầu tư cộng với việc thu phí gom rác từ người dân chưa hiệu quả nên trung bình lương mỗi xã viên tổ dịch vụ môi trường của HTX chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Ông Trần Ngọc Quang, Giám đốc HTX Nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Ea Sang cho biết: “Dự định của HTX về dịch vụ môi trường không chỉ thu gom rác mà còn muốn nhận thi công, duy tu, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức dịch vụ tang lễ; bơm hút hầm bi-ô-ga; dịch vụ trồng cây xanh, cây cảnh... để phát triển nhưng vì gặp nhiều khó khăn nên chưa thực hiện được”.
Theo thống kê của Liên minh HTX Dak Lak, hiện có 9 HTX trên địa bàn tỉnh tham gia vào lĩnh vực vệ sinh môi trường, ngoài hai HTX trên có thể kể đến HTX Điện Ea Phê (huyện Krông Pak), HTX Vận tải Krông Năng (huyện Krông Năng), HTX Điện nước M’Drak (huyện M’Drak)...
Hầu hết, các HTX khi mở rộng thêm hoạt động ở lĩnh vực này đều trên cơ sở tâm nguyện, mang tính công ích hoặc do yêu cầu của địa phương nên đứng ra thành lập. Các HTX gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, kỹ năng chuyên môn, nhận thức về việc đóng phí tham gia dịch vụ môi trường của người dân nên quy mô hoạt động còn nhỏ, chưa mở rộng ra các thôn, xóm; công tác xử lý rác thải còn chưa thật sự đáp ứng hết. Tuy vậy, không thể phủ nhận, lĩnh vực hoạt động này của các HTX đã tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nông thôn. Đặc biệt, phương án mở rộng hoạt động dịch vụ môi trường của nhiều HTX cũng đã trở thành một trong những giải pháp của địa phương khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ông Bùi Văn Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Phong trào - Liên minh HTX Dak Lak cho biết: “ Công tác bảo vệ môi trường là một việc rất quan trọng. Tuy biết là có nhiều trở ngại trong hoạt động nhưng Liên minh rất khuyến khích, ủng hộ các HTX làm dịch vụ môi trường. Mặc dù chưa có chính sách hỗ trợ chi phí trực tiếp, nhưng Liên minh cũng có một số chủ trương nhằm hỗ trợ cho các HTX khi làm dịch vụ này như: Tổ chức cho các xã viên làm môi trường tham gia các lớp tập huấn chuyên đề xử lý rác và giữ gìn vệ sinh cộng đồng; kiến nghị với cơ quan ban ngành liên quan ở địa phương có những hình thức trợ giúp và tháo gỡ khó khăn đang gặp phải cho các HTX, giúp chính quyền địa phương sớm hoàn thành các nội dung của tiêu chí môi trường trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới...”.
Đức Văn
Ý kiến bạn đọc