Để môi trường nông thôn thêm xanh, sạch
Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt của người dân nói chung, ở khu vực nông thôn nói riêng chưa được thu gom và xử lý triệt để đã và đang gây ra những tác động tiêu cực trong môi trường sống.
Không khó để bắt gặp hình ảnh các bãi rác tự phát ở những khu vực công như lề đường, kênh mương, nhà cộng đồng, bãi đất trống… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song phổ biến nhất là do ý thức tự giác của người dân chưa cao; thiếu bãi rác, thiếu các dịch vụ vệ sinh môi trường nên người dân tự “quy hoạch” bãi rác. Không những thế, một số nơi địa bàn dân cư rộng, phân bố không tập trung cũng gây trở ngại cho việc thu gom. Để giải quyết tình trạng này, một số địa phương đã tìm hướng giải quyết bằng cách xã hội hóa việc thành lập tổ thu gom hoặc hợp tác xã làm dịch vụ vệ sinh môi trường. Qua đó, đã giúp người dân nâng cao nhận thức và có trách nhiệm hơn trong công tác vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, cách làm này cũng chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, chưa giải quyết dứt điểm vấn đề vì hầu hết các tổ hay hợp tác xã thu gom rác hình thành từ nguồn lực xã hội hóa. Trong khi đó, số hộ dân tham gia vào mô hình còn hạn chế, chủ yếu là các hộ dân sống khu vực trung tâm xã hay dọc các tuyến đường chính nên việc thu gom cũng chỉ diễn ra ở những khu vực này, còn các thôn, buôn nằm ở địa bàn xa, dân cư thưa lại tự xử lý rác thải theo cách riêng của mình. Vì thế, việc xuất hiện những “điểm đen” về ô nhiễm là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều hộ chây lỳ không đóng lệ phí thu gom rác hằng tháng đầy đủ… nên rất khó để duy trì hoạt động thu gom rác ở vùng nông thôn.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, vấn đề thu gom và xử lý rác thải là một trong những chỉ tiêu quan trọng của tiêu chí môi trường. Do đó, mô hình xã hội hóa công tác thu gom rác thải ở các địa phương là một cách làm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn hiện nay. Để mô hình tiếp tục nhân rộng và phát huy kết quả, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động tất cả hộ dân tham gia vào ký kết thu gom rác và đóng lệ phí hằng tháng đầy đủ. Nếu duy trì và nhân rộng được mô hình này sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt và chất lượng sống của bà con vùng nông thôn... cũng như sớm hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, một trong những tiêu chí khó thực hiện của nhiều địa phương.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc