Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường: Những hiệu ứng tích cực

16:50, 05/06/2015

Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là việc huy động tất cả nguồn lực từ các cấp, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể và cộng đồng cùng tham gia nhằm đem lại những kết quả tốt hơn. Đây cũng là một giải pháp cơ bản và tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Những năm qua, hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị và đông đảo các tầng lớp nhân dân, qua đó đã xuất hiện nhiều giải pháp, việc làm thiết thực góp phần thực hiện tốt công tác xã hội hóa BVMT. Điển hình như mô hình “Tuyến đường phụ nữ tự quản” "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"  của Hội Phụ nữ; “Khu dân cư tự quản BVMT” của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; "Hàng cây tự quản", "Đoạn đường xanh – sạch – đẹp" của Hội Cựu chiến binh; "Tận dụng chất thải nông nghiệp sản xuất phân bón" của Hội Nông dân và các phong trào của Đoàn thanh niên như "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh"... đã được triển khai sâu rộng trong các địa phương.

Thanh niên TP. Buôn Ma Thuột phát tờ rơi tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Thanh niên TP. Buôn Ma Thuột phát tờ rơi tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Từ năm 2009 đến nay, Chi hội Cựu chiến binh thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar) đã đảm nhận trồng và chăm sóc hàng cây xà cừ trên đoạn đường dài hơn 2 km. Mô hình "Hàng cây tự quản" của Chi hội không chỉ tạo cảnh quan thoáng mát, xanh - sạch - đẹp mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc BVMT, chống biến đổi khí hậu. Để có được kết quả này, các hội viên trong Chi hội đã không ngại khó, ngại khổ trong việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa và bảo vệ hàng cây. Hay như cách làm của Hội phụ nữ xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M'gar), với mô hình "Tuyến đường phụ nữ tự quản" đã huy động chị em phụ nữ trên địa bàn thường xuyên tập trung làm vệ sinh môi trường trên các đoạn đường mà chi hội mình đăng ký bảo đảm vệ sinh môi trường. Qua đó không chỉ xử lý tình trạng nước, rác thải gây ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Hiện nay 100% số chi hội phụ nữ của xã đều đăng ký và thực hiện tốt mô hình này. Với Câu lạc bộ (CLB) giải pháp xanh mà nòng cốt là sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên đã có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ hồ, đập như các đợt ra quân thu gom rác thải, diệt trừ cây mai dương, nạo vét hồ Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Hoạt động ý nghĩa này có sức lan tỏa rộng rãi, đến nay đã có hàng chục bạn trẻ và người dân các địa phương tích cực tham gia, ủng hộ và góp sức trong mỗi đợt ra quân thực hiện giữ gìn nguồn nước, xây dựng môi trường sống trong lành. Được biết, toàn tỉnh hiện có trên 250 đội thanh niên tình nguyện BVMT với gần 10.000 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Nông dân phường Thiện An (thị xã Buôn Hồ) tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân vi sinh góp phần bảo vệ môi trường.
Nông dân phường Thiện An (thị xã Buôn Hồ) tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân vi sinh góp phần bảo vệ môi trường.

Mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai ban đầu tại buôn Tring 2, phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) mang lại hiệu quả rõ rệt, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều xã, phường thực hiện mô hình này như ở buôn Ea Bông xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột), thôn Tân Phú xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn)... Có thể nói, mô hình đã phát huy vai trò tự quản của người dân, nhờ đó nhận thức cũng như hành động của họ về công tác BVMT ngày càng được nâng cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải sinh hoạt được cải thiện; không còn tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông, nuôi nhốt dưới gầm sàn nhà; các hộ gia đình đều đầu tư kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm hợp vệ sinh... Thực tế cho thấy, qua hơn 5 năm thực hiện, mô hình này không chỉ cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia BVMT sống.

Hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh cũng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như Co.op Mart Buôn Ma Thuột đã gắn hoạt động này vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, để giảm thiểu tác hại của túi nilông đối với môi trường, đơn vị đã đưa vào sử dụng túi nilông tự hủy thay thế loại túi thông thường. Bên cạnh đó, tích cực vận động cán bộ, nhân viên và khách hàng tiết kiệm bao bì, ưu tiên sử dụng loại túi thân thiện với môi trường để tiết kiệm chi phí cũng như hướng đến công tác BVMT. Ngoài các mô hình trên, đã có nhiều địa phương thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường thông qua việc thành lập các mô hình, tổ hợp tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải như ở xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar), Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông), Phú Lộc (huyện Krông Năng)...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xã hội hóa BVMT trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp một số khó khăn như: Nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế nên thường xuất hiện các bãi rác tự phát, “điểm đen” về môi trường; kinh phí dành cho sự nghiệp môi trường còn hạn chế; các dự án xây dựng bãi xử lý chất thải chưa được tập trung đầu tư xây dựng. Điều đặc biệt là cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia vào công tác BVMT... Vì vậy, để phát huy hơn nữa thế mạnh của khối tư nhân tham gia vào hoạt động này, các cấp, ngành, địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để họ tham gia các dịch vụ thu gom, tái sử dụng, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về BVMT. Đồng thời phát triển các phong trào quần chúng tham gia BVMT; biểu dương các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực này bằng hành động cụ thể; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng trong việc giám sát và thực thi các quy định pháp luật về BVMT.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.