Cùng chung tay bảo vệ môi trường
Thời gian qua, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu đã được các tôn giáo đưa vào nội dung sinh hoạt thường kỳ nên góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Trước đây làng rau suối Đốc Học, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên bị ô nhiễm do bị xả rác bừa bãi; một số hộ sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích để trồng rau xanh... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người dân sinh sống tại đây. Bà Lê Thị Ánh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) phường Tân Tiến cho biết, trước thực trạng đó UBND phường đã tăng cường vận động người dân chấp hành quy định bảo vệ môi trường sống. Thông qua các cơ sở tôn giáo trên địa bàn như Công giáo, Phật giáo để tuyên truyền cho phật tử, giáo dân và người dân thu gom rác đúng nơi quy định; kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường của suối, vận động tuyên truyền các hộ không dùng chất cấm, chất kích thích để trồng rau, sử dụng các kỹ thuật không gây ô nhiễm; không sử dụng nguồn nước ngầm quá mức…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường mà làng rau suối Đốc Học đã giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. |
Chứng kiến những con đường sạch sẽ, các thùng rác được đặt đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, linh mục Nguyễn Văn Phương, chánh xứ giáo xứ Thánh Linh, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) phấn khởi cho hay, trước đây, tình trạng xả rác thải nông nghiệp ở các con đường, ngõ xóm khiến môi trường bị ô nhiễm. Trong các buổi học giáo lý, giáo xứ thường xuyên tuyên truyền cho bà con giáo dân không sử dụng chất cấm, chất kích thích sinh trưởng trong sản xuất, chất phụ gia chế biến thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nay hoạt động này đã đi vào nền nếp, bà con giáo dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, môi trường sống ngày càng trong lành, đường phố sạch, đẹp hơn.
Mới đây, đại diện các cơ sở tôn giáo tại xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột), gồm: Phật giáo (5 cơ sở); Công giáo (2 cơ sở) và Tin lành (2 cơ sở) đã ký cam kết xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc và tín đồ các tôn giáo bằng các hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo, địa bàn dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. |
Còn tại chùa Phổ Minh (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) việc xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp đã trở thành hoạt động thường xuyên của các sư thầy và phật tử. Trước đây, do thường xuyên bị xả thải nên suối Ea Tam đoạn qua phường Tự An bị ô nhiễm. Chùa Phổ Minh đã tổ chức cho đạo hữu, phật tử dọn rác, khơi thông dòng chảy... Đại đức Thích Chí Minh, trụ trì chùa Phổ Minh cho biết, để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, trong các buổi thuyết giáo, nhà chùa luôn tuyên truyền người dân không đốt vàng mã, không xả rác ra suối; sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường; ăn uống hợp vệ sinh; xây dựng các công trình vệ sinh; không phá rừng; không khai thác tài nguyên thiên nhiên trái quy định pháp luật... Phật tử Nguyễn Thị Linh, trú phường Tự An chia sẻ: “Tôi thường vận động và cùng với người thân, láng giềng tích cực khơi thông cống, rãnh, tập kết thu gom rác thải đưa đến nơi quy định và quét dọn đường, ngõ xóm. Mỗi người góp một tay thì mới có thể bảo vệ môi trường sống của chính mình và cho thế hệ tương lai. Theo tôi, bảo vệ môi trường là sống với lòng từ bi, không gây tổn hại đến môi trường sống của muôn loài, với thiên nhiên…”.
Địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có 93 cơ sở tôn giáo với gần 123.000 tín đồ (chiếm gần 37% dân số thành phố). Với phương châm sống luôn lấy con người làm trung tâm, trong đó bảo vệ sự cân bằng, hài hòa sinh thái là bảo vệ cuộc sống của chính bản thân, gia đình và xã hội, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng các chuẩn mực hành vi, thói quen, lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Hoàng Diệu, Chủ tịch UBMTTQVN TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thời gian qua Mặt trận thành phố, Phòng Tài nguyên - Môi trường và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đã ký cam kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020. Các tổ chức tôn giáo đã đưa hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động, sinh hoạt tôn giáo. Mặt trận thành phố cũng đã hướng dẫn các cơ sở thờ tự, các chức sắc, chức việc, tu sĩ tham gia các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường.
Nguyễn Hoàng
Ý kiến bạn đọc