Multimedia Đọc Báo in

Chuyện ghi ở một phiên tòa ly hôn…

16:46, 04/12/2010

Tôi gặp lại chị C. trong phiên tòa xử ly hôn cách đây 10 năm…

Chị mới bốn mươi tuổi thôi, mà tôi cứ ngỡ chị như đã ngoài năm mươi rồi. Thân hình chị tiều tụy, nước da ngăm đen, mái tóc óng ả ngày nào hay đã lốm đốm bạc, tay dắt hai con gái nhỏ. Thoáng nhìn, tôi tự hỏi: “Có phải chị C. không? Sao chị lại ở đây? Chẳng lẽ chị lại là bị đơn trong vụ án “ly hôn” với anh T. mà hôm nay mình ngồi xử ư?”… Phiên tòa khai mạc, chị không nhận ra tôi. Ánh mắt chị như cầu cứu một điều gì nơi Hội đồng xét xử. Theo lời khai chị và anh T. lấy nhau đã mười hai năm, có hai con chung. Cuộc sống vợ chồng chị thật đẹp đôi, hạnh phúc, các con đều ngoan và học giỏi. Chị là giáo viên, còn anh công tác ở một trạm kiểm lâm của huyện. Ai nhìn vào gia đình chị, cũng đều ước ao, khen ngợi hết lời. Thế rồi, một ngày anh bàn vơi chị: “Vì tương lai của các con và cuộc sống của vợ chồng mình sau này, để anh ra thành phố Buôn Ma Thuột làm ăn, gây dựng kinh tế, mua nhà ở, anh sẽ chuyển mẹ con ra theo”. Tin chồng, bao nhiêu vốn liếng dành dụm chị đưa hết cho anh. Thời gian trôi đi, không thấy anh về, một năm, hai năm, rồi ba năm cũng không biết anh ở đâu, bặt vô âm tín. Đến một ngày, chị nhận được giấy triệu tập của Tòa án mời đến để giải quyết việc “ly hôn” với anh T., chị bàng hoàng, chao đảo…

Tòa tuyên án: “chị nuôi hai cháu, mỗi tháng anh T. trợ cấp 200.000 đồng để cùng chị nuôi con đến tuổi trưởng thành. Về tài sản, chị không có chứng cứ chứng minh, nên không chấp nhận”… Phiên tòa kết thúc, chị níu áo tôi: “Em ơi, cứu chị với, chị tin chồng, thương con mà phải gánh chịu hậu quả này”. Nhìn chị và hai con, lòng tôi đau quặn, muốn giúp chị, nhưng bằng cách nào đây? Tôi chỉ còn biết động viên chị: “Vì các con, chị hãy thương bản thân mình, cố gắng lên chị nhé”.

Mười năm sau phiên tòa ấy, tình cờ gặp lại tôi, chị mừng lắm, bộc bạch như trút được gánh nặng trong lòng: “Cô ơi, ngày đó tôi thật khờ dại vậy? Anh ấy đã sống chung với người phụ nữ khác như vợ chồng và đã có con. Anh ta lấy cớ về đánh đập, hành hạ tôi, cho rằng tôi là người vợ không biết lo toan cuộc sống gia đình. Tôi cố gắng giãi bày, thì anh ta lại nói là tôi thanh minh, và như thế những trận đòn, những lời chửi mắng cứ liên tiếp trút xuống đầu tôi và các con. Sau khi ly hôn, tôi đưa các con đến sống ở một xã vùng xa. Tôi suy sụp về tinh thần, lao đao với cuộc sống khó khăn, vất vả, một mình lăn lộn nuôi hai con nhỏ ăn học, ốm đau không một đồng cứu chữa. Nhờ anh em trong gia đình, bà con lối xóm, đồng nghiệp giúp đỡ, động viên, phần nào đã giúp tôi vươn lên, đứng vững trong cuộc sống. Cô biết không, cháu lớn năm nay đã học lớp 12 rồi, cháu nhỏ bị tật nguyền bẩm sinh vẫn học ở trường dạy trẻ khuyết tật. Bây giờ tôi đã là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền và đang là quyền Hiệu trưởng của một trường tiểu học rồi cô ạ!”.

Nghe chuyện, tôi cũng thấy mừng mừng cho chị. Và tôi thầm mong chị tiếp tục có thêm nghị lực để đứng vững và vươn lên. Hạnh phúc rồi sẽ mỉm cười với chị…

Mai Thanh


Ý kiến bạn đọc