Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Cư Pui

15:11, 17/03/2012

Trạm Y tế xã Cư Pui là một trong những trạm khó khăn nhất của huyện Krông Bông, hiện có 8 biên chế nhưng trong đó có 2 cán bộ đang đi học dài hạn. Nhân lực hạn chế trong khi phải phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho 12 nghìn nhân khẩu tại 13 thôn, buôn trên địa bàn, (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%) nên trạm còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ và trẻ em dưới 5 tuổi.

Tư vấn chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý cho phụ nữ mang thai.

Bất đồng về ngôn ngữ, trình độ nhận thức của người dân còn thấp cộng với phong tục tập quán lạc hậu của người Mông, Êđê… là một trong những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khám chữa bệnh tại địa phương. Tình trạng trẻ em không được tiêm chủng hoặc người dân chỉ khi bị bệnh nặng mới đến cơ sở y tế diễn ra khá phổ biến. Hiện nay, trên địa bàn xã Cư Pui có 1.025 trẻ em dưới 5 tuổi, song tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đủ liều chỉ đạt 8%. Trẻ  dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chiếm hơn 32%, trong đó có 15,1% trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 17% trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Bác sĩ Lê Văn Giáo, Trưởng Trạm Y tế xã Cư Pui cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã linh động thay đổi thời gian, địa điểm tiêm chủng phù hợp với từng khu vực, nhất là các thôn xa trạm y tế, thôn có người Mông sinh sống nhưng một số người Mông vẫn còn suy nghĩ rằng nếu đưa con đi tiêm thì nó đau, sốt không trông được để đi rẫy, đi nương nên không cho trẻ tiêm phòng”.

Hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và sau sinh được trạm đặc biệt chú trọng, 100% bà mẹ đến theo dõi thai và sinh tại trạm đều được chăm sóc sau sinh. Tuy nhiên, người dân vẫn còn có nhận thức rất lạc hậu  như nhất thiết phải sinh con trai (đối với người Mông) và sinh con gái (đối với người Êđê) để nối dõi, thờ phụng tổ tiên về sau. Hoặc phụ nữ người Mông phải nghe theo người chồng như: chồng cho đi khám, tiêm phòng mới được đến cơ sở y tế và khi sinh con, người chồng quyết định cho sinh ở trạm mới tới trạm, nếu chưa có ý kiến của người chồng thì phải sinh ở nhà do mụ vườn đỡ. Vì vậy, trong năm 2011, trên địa bàn xã Cư Pui, tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà vẫn còn chiếm 19,8% và theo thống kê của Trạm Y tế Cư Pui, trong tổng số 202 bà mẹ sinh con thì có đến 55 trường hợp sinh con thứ ba. Bác sĩ Lê Văn Giáo cho biết: “Phần lớn người dân sinh sống trên địa bàn xã Cư Pui là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ học vấn thấp nên nhận thức về chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế. Đặc biệt đối với một số thôn, buôn người Mông, Êđê… việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em chưa được quan tâm, phần lớn phụ nữ mang thai vẫn phải lao động nặng và sinh tại nhà, không được sự trợ giúp của cán bộ y tế”.

Rõ ràng, để công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn xã Cư Pui đạt hiệu quả hơn, cần thiết phải tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân nơi đây, nhất là nhận thức của người chồng và các thành viên khác trong gia đình như: bố, mẹ chồng… đối với chăm sóc sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ em. Để làm được điều này, thiết nghĩ, không chỉ ngành y tế mà còn cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương. 

Hương Xuân - Bảo Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.