Nghị lực của một thương binh
Đến thăm mô hình VAC của ông Cao Minh Nhung ở thôn 7, thị trấn Ea Knốp (Ea Kar) mới thấy hết nỗ lực của người thương binh hạng 2/4 này để tạo dựng nên một cơ ngơi như vậy.
Ngoài ngôi nhà ông bà và đứa con út đang ở được xây dựng năm trước trên trăm triệu đồng, còn có năm ngôi nhà xây nữa bao quanh đó của năm người con đã lập gia đình ở riêng. Bên cạnh những vạt ruộng lúa đang xanh mơn mởn là hệ thống ao thả cá, ao ươm cá mỗi năm cho thu hoạch một tấn cá thịt. Chạy dọc theo nhà là hệ thống chuồng nuôi heo, bây giờ thu gọn lại cũng còn xuất chuồng mỗi năm chừng 4 tấn, rồi chuồng gà, vịt, ngan, bể nuôi cá trê, ếch… Ông Nhung cho biết, lúa gạo, thực phẩm cho gia đình tự cung tự cấp là chủ yếu, trên đất cao thì trồng điều, cà phê xen cây ăn trái như dừa, nhãn, xoài…; trên đất cát pha thì trồng cây ngô, cây sắn. Mỗi năm bình quân thu nhập từ mô hình VAC mang lại cho gia đình ông trên 60 triệu đồng. Ông cười khoe: “Đó là chưa kể lương thương binh của tôi với lương Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã của bà ấy nữa”.
Ông bà Cao Minh Nhung trước ngôi nhà của mình. |
Năm 1988, khi ông Nhung sắp bước sang tuổi năm mươi, cũng bởi con đông, đất khó mà ông bà lại dắt díu theo 6 đứa con rời bản Mường Ấm, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa để vào Tây Nguyên làm kinh tế. Những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới, ông bà cùng bầy con nhỏ đã xoay trần với con dao, cái cuốc dầm sương, dãi nắng “khai sơn phá thạch”. Đã lao động mệt nhọc, cái ăn lại chỉ có măng le chấm muối, chưa kể sốt rét rừng, bọn Fulrô đe dọa, vết thương ở chân của ông còn hành hạ, vợ ông nhiều đêm thương con phải nghỉ học giữa chừng mà khóc ròng nản chí muốn quay về quê. Ông Nhung nghĩ: “Chiến tranh ác liệt mình còn chiến thắng thằng giặc, ở đây có đất đai chẳng lẽ mình lại khuất phục trước đói nghèo, đã rời xa quê thì phải quyết chí vượt lên…”. Nhờ quyết tâm, ông đã vượt lên thương tật, cùng vợ con dần dần chiến thắng đói nghèo. Thế rồi cái thời kỳ cùng quẫn cũng lùi lại phía sau, đất đồi xanh tương cây lúa, cây ngô, cây đậu là những cây ngắn ngày nuôi cây điều, cây cà phê dài ngày. Khi đã có của ăn của để, ông liền mở rộng nguồn thu từ ao cá, nuôi heo… Gia đình ông không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Ông trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, những người con theo gương ông lần lượt lên đường làm nghĩa vụ quân sự và trở về lao động sản xuất, tham gia công tác địa phương.
Hiện nay, mặc dù tuổi cao nhưng ông Cao Minh Nhung vẫn luôn tiên phong trong các phong trào của địa phương, sống mẫu mực cho con cháu noi theo. Ông được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn 7, bà làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, con trai được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn…
Nguyễn Liên
Ý kiến bạn đọc