Multimedia Đọc Báo in

Người “thổi tù và” của buôn

10:09, 07/09/2010

Năm 1986, sau khi xuất ngũ, anh Tào Văn Cấp (dân tộc Tày) trở về quê hương Cao Bằng sinh sống. Do điều kiện kinh tế khó khăn, năm 1995, gia đình anh quyết định vào lập nghiệp tại buôn Krông, xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana. Với tính năng nổ, nhiệt tình và sẵn lòng giúp đỡ mọi người, nên anh nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của dân làng, đầu năm 1997, anh được bầu làm Phó buôn Krông.

Trưởng buôn Tào Văn Cấp đang làm việc tại nhà.
Trưởng buôn Tào Văn Cấp đang làm việc tại nhà.
Những ngày đầu khi anh “nhậm chức”, cuộc sống của người dân nơi đây còn rất khó khăn, do hình thức canh tác lạc hậu, hiệu quả thấp, trong khi đó, hầu hết bà con là người đồng bào Tày từ phía Bắc vào định cư (những năm 1995-1997) và đồng bào Êđê. Điều đó khiến anh Cấp nhiều đêm trăn trở tìm hướng làm ăn mới giúp bà con thoát nghèo. Trước tiên, anh vận động mọi người thay đổi tập quán canh tác, mua giống mới về gieo trồng, nuôi thêm gia súc, gia cầm và thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhờ vậy, đời sống kinh tế của người dân buôn Krông từng bước được cải thiện, dần đi vào ổn định. Năm 2009, anh Cấp được bầu làm Trưởng buôn, dù tuổi đã gần 50, nhưng anh vẫn rất nhiệt tình, năng động với công tác địa phương. Việc làng xóm, từ cưới xin, tang ma, thăm hỏi lúc ốm đau, đến vận động đóng góp, xây dựng gia đình văn hóa… anh đều không quản ngại. “Vất vả là thế, nhưng chưa một lần nghe ông kêu khổ hay kể công…” – chị Nông Thị Ánh, một người dân đã nói về trưởng buôn mình như thế. Bên cạnh đó, anh thường phối hợp với các trưởng dòng họ, đoàn thể trong buôn, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh tăng năng suất; tích cực vận động bà con hỗ trợ nhau cây, con giống, kinh nghiệm làm ăn; phá bỏ vườn cây xấu, không phù hợp chuyển sang trồng cây ngắn ngày hiệu quả hơn, như ngô lai, lúa, sắn cao sản và rau màu các loại… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong buôn giảm xuống đáng kể (từ 18 hộ năm 2009, đến nay còn 9 hộ); nhiều hộ còn vươn lên làm giàu, có thu nhập cao, như hộ anh Lãnh Văn Toàn, Vi Văn Chương, Lục Thanh Bình… đều có mức thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, bản thân anh Cấp và gia đình luôn gương mẫu trong các phong trào của địa phương như thực hành tiết kiệm, xóa bỏ mê tín dị đoan, nộp thuế Nhà nước đầy đủ… Trong nhiều năm liền, gia đình anh được công nhận là “Gia đình Văn hóa” cấp xã. Nhờ điều kiện kinh tế nay đã ổn định, với 6 sào lúa, 3 sào ngô, và 3 con trâu, thu nhập bình quân mỗi năm, trừ các khoản chi phí cũng còn 60 triệu đồng, anh Cấp tỏ ra tự tin: “Vì sự phát triển của buôn, với vai trò là một trưởng buôn được bà con tin yêu, tôi sẽ luôn cố gắng gương mẫu và đem hết khả năng của mình đóng góp cho buôn Krông ngày càng phát triển đi lên”.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc