Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh nặng nợ với... “nghiệp vô-lăng”

09:44, 27/07/2011
Là lính lái xe Trường Sơn, rời quân ngũ ông được điều động về làm việc tại nhiều cơ quan xí nghiệp, những chức vụ mà ông đảm nhận vẫn luôn là đội trưởng đội xe. Có lẽ nghiệp cầm lái đã vận vào người lính ấy, để rồi khi về hưu, ông đứng ra thành lập nên cả một hợp tác xã (HTX) quản lý hàng trăm đầu xe. Ông là Lê Quang Mão (SN 1948), Chủ nhiệm HTX vận tải Đồng Tâm.
 
Ngôi nhà số 62 Ngô Gia Tự của ông, cũng là trụ sở HTX. Ngày ngày, tại đây ông Mão vẫn cần mẫn làm việc, tìm kiếm thêm nhiều hợp đồng vận tải mới cho các xã viên, lúc thì lo các giấy tờ liên quan đến tuyến chạy, các hợp đồng khai thác hàng hóa hay giải quyết các sự cố về thương vụ vận tải... Bận rộn với công việc là vậy, nhưng mỗi lần nhắc về kỷ niệm một thời lái xe Trường Sơn, ký ức lại ùa về trong ông. Ông kể, năm 1967, sau gần 2 năm được đào tạo lái xe, ông về công tác ở Đội vận tải Chi cục cơ khí nông nghiệp tỉnh Nam Hà cũ, một thời gian sau, ông được điều vào chiến trường B1 lái xe ở Đoàn 559. Nhiệm vụ của ông cùng đơn vị là lái xe vận chuyển vật tư nông nghiệp, lương thực, thuốc men chi viện cho các vùng giáp ranh (đã được giải phóng) ở các tỉnh Trung Trung Bộ từ năm 1972-1975. Đó là khoảng thời gian đầy gian khổ, ông và đơn vị luôn phải đối mặt với hiểm nguy, các tuyến đường xe qua luôn là mục tiêu ném bom của kẻ thù. Đội xe ông nhiều lần bị dính bom, có xe bị bốc cháy, hư hỏng, để khai thông đường cho những xe sau tiến lên, ông cùng đồng đội không ít lần đành ngậm ngùi đẩy xe xuống vực. Những lúc như vậy ông đau lắm, cứ ngỡ như một phần cơ thể mình bị phế bỏ. Sau giải phóng, tháng 11-1975, ông được điều về làm đội trưởng đội xe Ty Nông nghiệp Dak Lak, tiếp đến là đội trưởng đội xe Công ty quốc doanh Nông nghiệp, rồi Giám đốc Công ty cầu đường Dak Lak...
 
Năm 1991, ông nghỉ hưu khi chỉ mới 43 tuổi, ông đứng ra mở dịch vụ vận tải,  ban đầu chỉ 1 đầu xe tải, đến năm 1997, ông mở rộng hoạt động kinh doanh và đội xe lúc này tăng lên đến 5 chiếc. Công việc kinh doanh vận tải bắt đầu có nhiều thuận lợi, ông Mão đi đến quyết định táo bạo: thành lập HTX vận tải mang tên Đồng Tâm, sau 3 tháng đi vào hoạt động, HTX kết nạp thêm được 45 đầu xe. Cứ như vậy, nhiều người có xe tải, xe khách trên địa bàn lần lượt tìm đến đăng ký vào HTX, cho đến những năm 2006-2007, HTX quy tụ được trên 600 đầu xe vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa hoạt động trên khắp các tuyến Bắc - Trung – Nam. Có thể nói đây là thời kỳ hưng thịnh nhất của HTX. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc như ngập chìm trong khó khăn, tuy số đầu xe có giảm hơn trước, nhưng với tài chèo chống của người lính lái xe Trường Sơn năm xưa, HTX vẫn mạnh mẽ tiến lên, và luôn nằm trong top đầu của các HTX vận tải, khi mỗi năm đóng vào ngân sách tỉnh trên 1 tỷ đồng. Với nhiều thành tích nổi bật, HTX vận tải Đồng Tâm đã được UBND tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam tặng nhiều Bằng khen. Giờ đây, dù tuổi đã cao, không còn trực tiếp ngồi sau vô-lăng để có thể ngang dọc khắp các tuyến đường, nhưng với cương vị là người quản lý, ông Mão vẫn luôn nhắc nhở các thành viên HTX phải xây dựng được chữ tín trong kinh doanh và đạo đức người lái xe. Đó cũng là những điều mà ông luôn nhắc nhở ba người con trai đi theo cái nghiệp của ông phải ghi nhớ mỗi khi ngồi sau vô lăng.
Lệ Văn

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.