Có một thợ cơ khí cựu chiến binh lành nghề
Nhiều người ở huyện Ea Súp gọi ông là doanh nhân, nhưng ông chỉ khiêm tốn nhận mình là một thợ cơ khí lành nghề biết làm ra nhiều nông cụ và cải tiến một số thiết bị máy móc, giúp bà con nông dân nơi vùng quê nghèo nâng cao hiệu suất lao động.
Thoạt nhìn cơ ngơi của cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa bây giờ, không ai tin nổi cách đây đúng 20 năm, vợ chồng ông từ huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) vào huyện Ea Súp lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng. Hành trang chỉ gói gọn trong chiếc ba lô ông đem về từ nước bạn Lào khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế và quyết tâm “đổi đời” ở vùng đất mới. Ông Khoa cho biết, chưa một lần đặt chân đến huyện biên giới Ea Súp, nhưng nghe một số người từ Dak Lak về thăm quê nói, đất đai ở đây trù phú, chỉ cần chăm chỉ lao động thì không lo đói, thế là vợ chồng ông khăn gói vào đây lập nghiệp. Những ngày đầu khởi nghiệp "lạ nước, lạ cái", với bao khó khăn chồng chất, nhưng may mắn một gia đình đi kinh tế mới trước ông vài năm thương vợ chồng người lính nghèo đã cho mượn một khoảnh đất ở thôn 2 (thị trấn Ea Súp) dựng nhà ở. Vốn liếng không có, nhận thấy nhu cầu sử dụng nông cụ ở đây lớn, ông bàn bạc với vợ mở lò rèn làm cuốc, xẻng, dao, rựa… bán cho bà con nông dân trong huyện.
Ông Khoa đang chế tạo dàn cày. |
Xuất thân từ nông dân, ông Khoa luôn trăn trở làm thế nào giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân, tăng hiệu quả sử dụng đất. Vì vậy sau hơn 6 năm gắn bó với nghề rèn, toàn bộ số tiền tích cóp được ông đầu tư mua sắm máy tiện, máy hàn để “độ chế” phụ tùng, phụ kiện công tác cho nhiều loại máy kéo, máy cày, máy xới..., góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới của người dân trong vùng. Không được đào tạo nghề cơ khí bài bản mà chỉ tự mày mò học hỏi, do đó không ít lần ông Khoa thất bại khi chế tạo một vài chi tiết của một số loại máy móc thiết bị nông nghiệp. Không chịu thua, ông mua sách về tìm hiểu, tìm đến các xưởng cơ khí ở TP. Buôn Ma Thuột và một vài tỉnh khác “học lỏm” nghề. Ông cho biết: phần lớn các loại máy cày đất bán trên thị trường chỉ phù hợp với đồng ruộng ở các tỉnh phía Bắc hoặc Nam Bộ, còn khi đưa vào huyện Ea Súp thì không phù hợp, bởi đất ở đây có nhiều gốc cây. Vì vậy, từ dàn cày bánh lồng di chuyển trên nền đất sình, ông cải tiến thành dàn cày chảo để dễ dàng lướt qua các gốc cây. Một lần khác, có hai nông dân đến xưởng cơ khí của ông mua nông cụ và nói chuyện về việc các dàn cày hiện nay chưa lật đất vun vào gốc được. Nghe vậy, tối hôm ấy, ông thức trắng đêm loay hoay thiết kế một vài chi tiết cho dàn cày mới. Trời chưa sáng, ông đã mở máy cắt sắt, hàn, gò… và cho ra đời một loại dàn cày đáp ứng yêu cầu của người trồng cao su. Các sản phẩm do ông Khoa chế tạo nhanh chóng được thị trường chấp nhận, giúp nâng cao hiệu suất lao động, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên, nhất là bộ đội xuất ngũ. Ông chia sẻ: “Hầu hết các bạn tuổi đời còn trẻ, xuất phát điểm từ nông thôn, trình độ học vấn hạn chế, do đó học nghề là hướng đi phù hợp”. Với suy nghĩ ấy, ông Khoa luôn rộng cửa tiếp nhận học viên đến học nghề.
Đáng trân trọng, trong số 10 lao động đang làm việc tại xưởng có hơn nửa là bộ đội xuất ngũ, hằng tháng với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng. Người nông dân vẫn còn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nên người thợ cơ khí vẫn còn nợ bà con nhiều lắm, ông nghĩ vậy. Một thuận lợi đối với ông, khi mà công nghệ thông tin đã phủ đến huyện vùng biên, do đó muốn tìm hiểu thông tin liên quan đến lĩnh vực cơ khí không còn quá khó như mười, mười lăm năm trước, chỉ cần truy cập Internet là có nhiều thông trên liên quan đến lĩnh vực muốn tìm hiểu. Qua nguồn tài liệu mở này, ông biết có nhiều thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp do những nông dân chân đất chế tạo. Điều này càng thôi thúc người thợ “tay ngang” như ông gắn bó hơn với nghề để thỏa mãn niềm đam mê chế tạo ra nhiều loại máy móc phù hợp với đồng đất Ea Súp; đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Quanh năm gắn bó với tay búa, tay đe, chưa một lần biết đến chiếc máy vi tính, nhưng khi thấy nhiều người dân ở huyện Ea Súp học vi tính, ông cũng mày mò tự học. Và giờ đây, sau những giờ lao động mệt nhọc ông lại truy nhập Internet để nghe nhạc, đọc tin tức và tìm kiếm những thông tin liên quan đến ngành cơ khí. Không chỉ vậy, ông còn khuyến khích các con và công nhân lên mạng, Internet tìm kiếm những thông tin bổ ích cho học tập, công việc và cuộc sống.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc