Người bệnh binh xứng đáng với lời Bác dạy "Tàn nhưng không phế"
Ông Nguyễn Văn Thưởng (phải) đang giới thiệu về mô hình cà phê xen tiêu của gia đình mình. |
Năm 1990, do cuộc sống ở quê hương Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có nhiều khó khăn, ông Thưởng cùng người con trai đầu vào xã Ea Kiết (Cư M’gar) tìm hướng làm ăn với hai bàn tay trắng. Cần cù, chịu khó nên chỉ sau một vài tháng bố con ông đã khai hoang được 3 ha đất để canh tác. Có đất, ông đã về quê đưa vợ và 3 người con vào sinh sống. Thời gian đầu ông trồng lúa, hoa màu để giải quyết cái ăn cho gia đình. Sau khi tích lũy được chút vốn, ông chuyển sang trồng cà phê. Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, ông đã đưa thêm cây hoa màu vào trồng xen canh, vì thế khi cà phê đang trong giai đoạn kiến thiết thì gia đình ông vẫn có nguồn thu nhập ổn định. Đến lúc cà phê khép tán, không trồng được hoa màu thì ông trồng tiêu thay thế; đồng thời chuyển đổi những cây cà phê chất lượng kém sang trồng tiêu, mỗi năm ông trồng thêm từ 200 – 300 trụ tiêu. Với cách làm này, ông không phải đầu tư vốn lớn mà vẫn phủ xanh cây tiêu trong vườn nhà, tính đến nay vườn gia đình ông đã trồng được 1.500 trụ tiêu, trong đó có hơn 800 trụ đang cho thu hoạch. Trong quá trình canh tác, nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên vườn cây gia đình ông Thưởng phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao. Vườn cà phê xen tiêu của gia đình ông mỗi năm cho thu hoạch gần 6 tấn cà phê và hơn 5 tấn tiêu, trừ chi phí ước tính nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm… Không chỉ có điều kiện chăm lo cho con cái học hành, mua sắm đươc nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền, mới đây ông Thưởng còn xây dựng được một ngôi nhà khang trang trị giá hơn 1,2 tỷ đồng…
Từ hai bàn tay trắng vươn lên phát triển kinh tế, ông Thưởng là tấm gương sáng, xứng đáng với lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế”.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc