Người cộng tác viên dân số hết lòng với công việc
Làm cộng tác viên (CTV) dân số của thôn 2, xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) hơn 14 năm nay, bà Mai Thị Nga luôn tích cực vận động các cặp vợ chồng trong thôn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, làm thay đổi suy nghĩ của họ về chuyện sinh con trai, con gái. Nhờ đó, công tác dân số ở thôn đã có chuyển biến rõ nét.
Dù đã từng làm điều dưỡng, là cộng tác viên y tế có kinh nghiệm, nhưng khi đảm nhận công việc CTV dân số, bà Nga vẫn gặp không ít khó khăn. Cái khó lớn nhất là nhận thức của người dân về chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) còn hạn chế, nhiều người vẫn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “đông con hơn lắm của'', ''sinh con trai để nối dõi tông đường''... “Mới đầu đi tư vấn kiến thức DS - KHHGĐ người dân có tâm lý e ngại, không muốn tiếp xúc với mình, thậm chí có người còn “đuổi khéo”; cũng có người không hiểu chuyện còn bảo tôi lo chuyện bao đồng. Những lúc đó tôi buồn lắm, chỉ muốn nghỉ giữa chừng thôi” - bà Nga kể. Nhưng nỗi day dứt về việc những cặp vợ chồng trẻ không biết cách phòng tránh thai nên sinh nhiều con, kéo theo đó là cảnh đói nghèo đeo bám đã thôi thúc bà phải tiếp tục đảm nhận công việc, tìm ra hướng tuyên truyền hiệu quả để “dân hiểu, dân tin, dân thực hiện”. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà Nga đến tận nhà những phụ nữ đang tuổi sinh đẻ trong thôn để nắm bắt tâm sự, nguyện vọng của từng người, phân tích cho chị em hiểu lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch, để từ đó chủ động, tự nguyện thực hiện KHHGĐ. Trong những buổi họp thôn có đông đảo người dân tham gia, bà Nga kết hợp với ban tự quản thôn kể về những trường hợp thực hiện sinh đẻ có kế hoạch nên có điều kiện nuôi dạy con tốt, vươn lên làm giàu, qua đó hướng chị em trong thôn noi theo. Hằng năm, hưởng ứng Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, bà tích cực vận động và tham gia đưa đối tượng đăng ký đình sản, đặt vòng lên bệnh viện huyện để thực hiện.
Bà Nga tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho người dân. |
14 năm làm công tác dân số, bà Nga vẫn thường xuyên đến từng hộ, đặc biệt là với những hộ sinh con thứ 3, sinh con 1 bề để tư vấn, hướng dẫn, giải thích những quyền lợi, nghĩa vụ khi thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Nhờ vậy nhận thức của người dân thôn 2 đã thay đổi theo hướng tích cực. Đơn cử như vợ chồng chị Trần Thị Nga đã có 2 cô con gái, vẫn muốn kiếm thêm thằng cu cho “đủ nếp đủ tẻ”. Biết chuyện, bà Nga thường xuyên đến nhà tư vấn, vận động. “Bà Nga tâm sự nhiều lắm, nào là con nào cũng là con, đều do mình rứt ruột đẻ ra cả, rồi sinh thêm đứa nữa thì cuộc sống càng vất vả hơn, đó là chưa kể đứa nữa cũng lại là con gái thì sao? Bà Nga cũng khuyên: thay vì sinh tiếp, vợ chồng tôi nên chăm lo cho 2 đứa con gái thành đạt thì sẽ tốt hơn. Nhiều đêm suy nghĩ, vợ chồng tôi thấy bà Nga nói đúng nên bỏ ý định sinh con thứ 3. Đến nay, nhìn thấy 2 đứa con gái đã khôn lớn, chăm ngoan học giỏi, kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn trước nhiều, tôi càng thấm thía lời khuyên đúng đắn ấy” - chị Nga chia sẻ.
Theo thống kê, thôn 2 hiện có 103 hộ với 356 nhân khẩu. Số phụ nữ có gia đình đang trong độ tuổi sinh sản là 86 người thì đã có 74 chị đã sử dụng các biện pháp tránh thai (đạt 86%), trong đó có 28 trường hợp đặt vòng tránh thai, 4 ca đình sản...
Đến nay, trường hợp sinh con thứ ba trên địa bàn giảm đáng kể (hiện cả thôn chỉ có 3 trường hợp), đời sống vật chất và tinh thần người dân từng bước được nâng lên, toàn thôn có hơn 80% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Đánh giá về công tác Dân số – KHHGĐ ở thôn 2, chị Phạm Thị Loan, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Đrăm cho biết: “Sự chuyển biến trong nhận thức của người dân thôn 2 về việc thực hiện chính sách DS – KHHGĐ có công rất lớn của CTV Mai Thị Nga. Bà Nga không những vững về kiến thức chuyên môn mà còn có kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, thôn 2 luôn đi đầu trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của xã”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc