Nghị lực phi thường của cô bé khiếm thị
Nguyễn Thị Thảo (đầu tiên từ trái qua) cùng các vận động viên tham gia Đại hội thể dục thể thao người khuyết tật Đông Nam Á tại Myanmar đầu năm 2014. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Chỉ mới 11 tuổi đã phải xa nhà, lại trong hoàn cảnh mù lòa, cuộc sống tự lập ban đầu của Thảo vô cùng khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu đi học xa nhà, Thảo tâm sự: “Bố đưa em xuống buổi sáng rồi buổi chiều bố ra về. Em khóc suốt vì nhớ nhà và sợ. Nhiều lúc em tưởng như mình không thể vượt qua được, muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ tới sự kỳ vọng của bố mẹ và muốn tự mình sau này có thể lo cho bản thân nên em cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu để hòa nhập với cuộc sống mới”. Biết được trong trường có những anh chị cũng bất hạnh giống như mình mà họ vẫn vui vẻ sống và đạt được nhiều thành tích trong học tập, vì thế Thảo đã vượt qua nỗi sợ hãi và nỗi nhớ nhà để bắt tay vào học tập. Kết quả mỗi năm học Thảo đều là học sinh khá giỏi của trường. Em được nhận nhiều học bổng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, vào tháng 12-2013, em là 1 trong 12 người tiêu biểu trong cả nước vinh dự được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trao học bổng chương trình “Sánh bước yêu thương”.
Ngoài việc học văn hóa, Thảo còn có đam mê chơi cờ vua. Tình cờ trong một lần chơi cờ với bạn, Thảo đã lọt vào “mắt xanh” của huấn luyện viên Đội tuyển cờ vua dành cho người khuyết tật TP.Hồ Chí Minh, và được ghi tên vào danh sách đội tuyển cờ vua của thành phố. Năm 2007, trong giải đấu thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc, Thảo đã giành được Huy chương Đồng cá nhân môn cờ vua. Đến nay, trong bộ sưu tập về thành tích chơi cờ vua của Thảo đã có 23 tấm huy chương trong nước và quốc tế các loại. Trong đó, phải kể đến 2 Huy chương Đồng tại hai kỳ Đại hội thể dục thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á (Paragame) ở Indonesia năm 2011 và Myanmar đầu năm 2014. Kể về kỷ niệm trong lần đầu tiên thi đấu ở Indonesia, Thảo tự hào: “Lần đầu được đi máy bay ra nước ngoài em thấy vui lắm. Dù mắt không thấy gì nhưng em vẫn cảm nhận được mọi thứ rất đẹp xung quanh mình. Khi bước vào buổi thi đấu em run lắm, không biết mình có mang vinh quang về cho đất nước được hay không. Nhưng rồi, với lòng tự hào dân tộc và quyết tâm cao độ, em đã lần lượt đánh bại nhiều đối thủ để đạt được thành tích cao”.
Niềm đam mê cùng với sự nỗ lực đã đem lại những “trái ngọt” trên chặng đường phấn đấu vượt qua tật nguyền của Thảo. Kết thúc 12 năm học phổ thông với những thành tích xuất sắc, mới đây, Thảo vinh dự được tuyển thẳng vào hai trường đại học là Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Em đã chọn học tại khoa Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh với ước mong trở thành cô giáo để dạy học cho những bạn khiếm thị có hoàn cảnh kém may mắn như mình…
Thúy An
Ý kiến bạn đọc