Multimedia Đọc Báo in

Người cán bộ Công an hết lòng "vì nhân dân phục vụ"

09:19, 09/12/2014
Anh Phan Quốc Việt sinh ra và lớn lên ở TP. Buôn Ma Thuột trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Từ nhỏ anh đã ước mơ trở thành chiến sĩ Công an nhân dân như ông nội và bố của mình.
 
Rồi ước mơ ấy cũng trở thành hiện thực khi anh thi đỗ vào Trường Cảnh sát nhân dân II ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 2001, anh ra trường khi mới tròn 20 tuổi và được phân công về công tác tại Công an huyện Buôn Đôn - một địa bàn tương đối phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Trong thời gian từ năm 2001 – 2007, anh bắt đầu công việc ở Đội Quản lý hành chính, sau đó là Cảnh sát điều tra tội phạm, rồi là trinh sát Đội An ninh. Đến năm 2008, anh được điều chuyển về Đội Tham mưu tổng hợp. Kể từ ngày đó đến nay anh đã được đơn vị tín nhiệm cử làm Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp - Công an huyện Buôn Đôn.

Công tác tham mưu tổng hợp đòi hỏi phải có tính thận trọng, tỉ mỉ, kiên trì và làm việc không kể thời gian. Nhận thức rõ tầm quan trọng và tính chất của công việc, Đại úy Phan Quốc Việt không ngừng nỗ lực, cố gắng học hỏi từ đồng nghiệp, chịu khó nghiên cứu tài liệu, văn bản và rút kinh nghiệm từ thực tiễn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Có những ngày anh phải nghiên cứu hàng chục văn bản để tham mưu cho lãnh đạo Công an huyện ban hành; triển khai có hiệu quả các kế hoạch công tác cũng như sơ kết, tổng kết các chuyên đề công tác nghiệp vụ, phục vụ tốt nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiệp vụ của đơn vị. Đồng thời anh làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thực hiện, góp phần vào việc bảo đảm tốt an ninh, trật tự trên địa bàn.

Anh Việt tâm sự: Có những thời điểm nhạy cảm về an ninh trật tự đòi hỏi người làm công tác tham mưu phải túc trực cả ngày lẫn đêm để nắm bắt tình hình, thu nhận thông tin, phân tích nội dung đánh giá sự việc để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị điều hành tốt các mặt công tác bảo đảm tình hình an ninh chính trị và trật tự trên địa bàn. Đặc biệt là năm 2008, trong công tác đấu tranh phòng chống âm mưu của các thế lực thù địch có nhiều diễn biến phức tạp, với những hoạt động kích động chống phá hòng gây mất ổn định chính trị ở địa phương; với vai trò của người làm công tác tham mưu, anh phải thức suốt đêm để nắm chắc mọi diễn biến của tình hình, xây dựng các kế hoạch, phương án phòng chống biểu tình bạo loạn, tổ chức triển khai lực lượng, biện pháp tiến hành các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, giữ vững chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự…

Đại úy Phan Quốc Việt.
Đại úy Phan Quốc Việt.

Không chỉ là một cán bộ có năng lực và tận tụy với công việc, Đại úy Phan Quốc Việc còn là một Bí thư Chi bộ và Bí thư Đoàn cơ sở Công an huyện trong 2 nhiệm kỳ. Dù công tác ở cương vị nào, anh luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động tại đơn vị, không quản ngại khó khăn, hết lòng “vì nhân dân phục vụ”. Trong suốt 14 năm công tác anh luôn khắc ghi 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài công việc chính là tham mưu cho lãnh đạo Công an huyện, anh còn thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt tình hình an ninh trật tự, tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số tin và làm theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.

Với những nỗ lực không ngừng, Đại úy Phan Quốc Việt đã có 6 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Anh đã được các cấp tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen; trong đó năm 2013 anh được Giám đốc Công an tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm làm công tác tham mưu tổng hợp trong lực lượng Công an nhân dân; đặc biệt năm 2014, anh được Bộ Công an tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.