Giảm thiểu tai nạn giao thông do máy cày tay gây ra: Cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn
Máy kéo (thường được gọi là máy cày tay) là một phương tiện phổ biến ở tỉnh ta bởi tính tiện dụng của nó. Máy kéo có thể sử dụng vào nhiều việc như: cày xới đất, kéo máy phát điện để bơm nước tưới cây, kéo máy xay xát quả cà phê, kéo rơmoóc vận chuyển vật tư, chở người lao động ra ruộng rẫy và vận chuyển sản phẩm về nhà, kho... Hơn nữa, nó lại rất phù hợp với địa hình Tây Nguyên, dễ luồn lách, giá thành lại khá rẻ nên người nông dân rất thích sử dụng.
Tuy nhiên, loại phương tiện đa năng này lại đã và đang là nỗi lo sợ cho mọi người khi tham gia giao thông. Trên một số tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột, một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường trung tâm các huyện, thị xã, máy cày tay vẫn ngang nhiên lưu thông bất kể ngày đêm dù phần lớn người điều khiển nó đều nhận thức được đây là những tuyến đường cấm hoàn toàn hoặc cấm theo giờ loại phương tiện này lưu thông. Hơn 90% người điều khiển máy cày tay lại chưa được đào tạo, cấp giấy phép lái xe; hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ còn rất hạn chế. Vì vậy, tình trạng người điều khiển vi phạm các lỗi như: không có giấy phép lái xe, chở người trên rơmoóc, chạy quá tốc độ, tự ý tăng đường kính poly chủ động của động cơ để tăng tốc độ lưu thông vượt quá tốc độ thiết kế... diễn ra phổ biến.
Vụ TNGT do người điều khiển máy cày tay đi lấn phần đường quy định gây ra đã làm 1 người chết ngay tại chỗ. |
Không khó để bắt gặp hằng ngày, nhất là vào mùa thu hoạch, hàng đoàn máy cày tay chở hàng cao ngất ngưởng, chằng buộc sơ sài … ; nhiều xe không đèn, không còi, phanh xe không bảo đảm nối đuôi nhau chạy bạt mạng giữa sáng sớm sương mù giăng kín hay chập choạng tối không rõ mặt người bất chấp những nguy hiểm mà nó có thể gây ra cho những phương tiện khác. Thống kê từ đầu năm 2010 đến giữa tháng 5-2011, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông do máy kéo gây ra, làm chết 24 người, bị thương 10 người, hư hỏng 25 phương tiện các loại. Một số vụ điển hình như: Vào khoảng 10 giờ 10 ngày 9-4-2010, anh Nguyễn Viết Bé (SN 1968), thường trú tại thôn Phước Lộc 2, xã Ea Phê (Krông Pak) điều khiển máy kéo không biển số theo hướng từ TP. Buôn Ma Thuột về huyện Ea Kar, đến km 120 Quốc lộ 26 (thuộc địa bàn huyện Krông Pak) thì xe bị gãy trục trước gây tai nạn với 1 xe môtô chạy cùng chiều và một xe môtô chạy ngược chiều. Vụ tai nạn khiến một phụ nữ có thai tử vong và 3 người bị thương. Vào lúc 16 giờ ngày 13-7-2010, Nguyễn Xuân Sơn (SN 1992), trú tại thôn 3, xã Ea Tiêu (Cư Kuin) điều khiển xe máy kéo biển số 47N- 0384 đi theo đường liên thôn 3 vào sân bóng của thôn. Khi đến khúc cua vào sân bóng, mọi người ngồi trên thùng xe chen lấn nhau làm cháu Nguyễn Huy Thắng (SN 2000) trú tại thôn 7, xã Ea Tiêu (Cư Kuin) rơi xuống đất tử vong.
Trong 24 vụ tai nạn giao thông trên thì nguyên nhân do người điều khiển máy kéo đi lấn phần đường (9 vụ); máy kéo có kỹ thuật phương tiện không bảo đảm an toàn, chở người trên thùng xe trái quy định, chuyển hướng không bảo đảm an toàn (mỗi nguyên nhân gây ra 3 vụ); không làm chủ tốc độ (2 vụ). Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: vượt sai quy định, không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên theo quy định, thiếu chú ý quan sát, đặt chướng ngại vật gây tai nạn…
Thiết nghĩ, để giảm thiểu tai nạn giao thông do máy kéo gây ra thì rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và “dài hơi” hơn nữa giữa các ngành chức năng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của mỗi người dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng kiểm kỹ thuật, cấp biển số đăng ký và nhất là tạo cơ chế thuận lợi cho người lái học giấy phép lái xe hạng A4, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, ... Đặc biệt, lực lượng chức năng cần kiểm tra, xử phạt nghiêm các lái xe vi phạm; có giải pháp phân luồng dành riêng cho máy kéo vào những tháng vụ mùa cao điểm và sớm có quy hoạch hệ thống đường gom, đường dành riêng cho máy kéo nhỏ.
Tính đến ngày 15-5-2011, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức đào tạo và đã cấp được 4.397 giấy phép lái xe hạng A4, mới chỉ chiếm 8,8% so với số lượng máy kéo nhỏ hiện có trên địa bàn tỉnh. Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh đã tổ chức đăng ký được 26.653 máy kéo, chiếm 53,3% số máy kéo hiện có. |
Ý kiến bạn đọc