Multimedia Đọc Báo in

Sự gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân: Thách thức lớn đối với trật tự an toàn giao thông

16:32, 07/08/2011

Trong vòng 8 năm trở lại đây, số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký mới ở tỉnh ta tăng rất nhanh. Sau khi tách tỉnh (đầu năm 2004), Dak Lak mới chỉ có 259.536 xe các loại, trong đó có 9.467 ô tô và 250.069 mô tô – xe gắn máy (sau đây gọi chung là mô tô – xe máy). Từ năm 2004 đến năm 2006, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có 815 ô tô và 45.330 mô tô – xe máy đăng ký mới; tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm là 7,94% đối với ô tô và 16,3% đối với mô tô – xe máy. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, nhu cầu sử dụng các phương tiện cá nhân ngày càng tăng, trung bình mỗi năm có 2.183 ô tô và 64.943 mô tô – xe máy được đăng ký mới, tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm là 14,77% đối với ô tô và 13,8% đối với mô tô – xe máy. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã có 1.381 ô tô và 44.190 mô tô – xe máy đăng ký mới, nâng tổng số phương tiện đang quản lý hiện nay lên 22.028 ô tô và 688.997 mô tô – xe máy. Theo đà tăng này, dự báo đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có khoảng 33.000 ô tô và 1 triệu mô tô – xe máy được đăng ký. 

Có thể nói, việc gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân tác động rất lớn đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ta.  Trong 4 năm tới, mặc dù số lượng ô tô, mô tô - xe gắn máy tăng nhanh như vậy nhưng theo dự báo, trên những tuyến giao thông chính như các quốc lộ, tỉnh lộ hoạt động giao thông vẫn mang tính hỗn hợp, chưa thể có đường riêng cho từng loại xe (theo nguồn thông tin từ Quyết định 87/2009/QĐ-TTg ngày 17-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Dak Lak thời kỳ đến năm 2020). Dễ thấy tình trạng này sẽ gây nên ùn tắc giao thông ở nhiều điểm nút giao nhau ở thành phố, thị xã; những nơi đang thi công đường sá, cầu cống; nơi có tai nạn giao thông xảy ra hoặc vào thời điểm diễn ra các sự kiện, lễ hội…; do ngập úng ở những đoạn đường có hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện… Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 11 vụ ùn tắc giao thông tại km 720+500 (nơi đang thi công cầu Ea Tam, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) và km 725+100 đoạn cầu Duy Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng thuộc địa bàn phường Khánh Xuân (TP.Buôn Ma Thuột).

 Sự gia tăng  về số lượng môtô - xe máy đã  tác động rất lớn đến tình hình trật tự an toàn giao thông.
Sự gia tăng về số lượng môtô - xe máy đã tác động rất lớn đến tình hình trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, tai nạn giao thông (TNGT) cũng sẽ diễn biến theo chiều hướng tăng theo tỷ lệ phương tiện đăng ký mới. Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm, TNGT do đối tượng mô tô – xe máy gây ra chiếm khoảng 70% tổng số vụ tai nạn (khoảng 210 vụ TNGT nghiêm trọng và 500 vụ TNGT thiệt hại ít nghiêm trọng và va chạm giao thông). Ngoài nguyên nhân trực tiếp do người điều khiển mô tô – xe máy không chấp hành quy tắc giao thông gây ra tai nạn còn có nguyên nhân là người điều khiển mô tô – xe máy không có giấy phép lái xe (GPLX) theo quy định. Trong 3 năm gần đây, ngành Giao thông vận tải tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo, sát hạch thi lấy GPLX mô tô nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được hơn 70% số người có xe trên 50cc đến đăng ký.

Thiết nghĩ, để có phương án chống ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái ở đô thị, kiềm chế được TNGT do việc gia tăng số lượng các phương tiện giao thông cá nhân, ngay từ bây giờ tỉnh ta cần quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng - theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã cho phép 5 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đi vào hoạt động với 202 đầu xe, vận chuyển khoảng 17 triệu hành khách/năm đến tất cả các huyện trong tỉnh và 6 huyện của tỉnh Dak Nông, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để thể hiện rõ tính ưu việt của loại phương tiện này hơn hẳn phương tiện cá nhân, cần có biện pháp cải thiện và nâng cao được chất lượng phục vụ hành khách đi lại bằng xe buýt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu tổ chức phân luồng giao thông một số tuyến đường chính trong nội thành Buôn Ma Thuột; đẩy mạnh công tác đào tạo, sát hạch thi lấy GPLX mô tô phải theo kịp, đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Ngoài ra, một giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đối với người điều khiển mô tô – xe máy; tiến hành thường xuyên liên tục công tác kiểm tra xử lý vi phạm theo chuyên đề cụ thể nhằm tạo thành điểm nhấn tác động mạnh, sâu sắc đến người tham gia giao thông.

Nguyễn Văn Đức

Ý kiến bạn đọc