Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Quyết liệt với nhiều kế sách

09:15, 13/04/2012

Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, áp dụng nhiều hình thức biện pháp đồng bộ, sáng tạo…, tất cả những gì đã và đang được triển khai đã thể hiện rõ nỗ lực và quyết tâm của các địa phương nhằm lập lại trật tự kỷ cương, bảo đảm an toàn giao thông.

Quyết liệt

Trong những tháng đầu năm, các địa phương trên cả nước đã tích cực tổ chức lễ ra quân cũng như quyết liệt triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để thực hiện tốt Năm An toàn giao thông 2012. Đặc biệt một số địa phương đã có sáng kiến giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như tình trạng ùn tắc, tiêu biểu như Hà Nội với quy định điều chỉnh giờ học giờ làm… Kết quả bước đầu, cả nước có 34 tỉnh thành, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương, trong đó có Dak Lak; so với mục tiêu đề ra, có 9 tỉnh số người chết giảm 40-50%, 7 tỉnh số người chết giảm 30-35%, 11 tỉnh số người chết giảm 25-30%, đặc biệt có một số tỉnh giảm trên 50%.

 Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông toàn quốc quý I-2012 được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, nhiều bài học kinh nghiệm cũng như những giải pháp hay được các tỉnh, thành, ban ngành đoàn thể chia sẻ. Đáng chú ý là các giải pháp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, gắn mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông với trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm điểm trách nhiệm đảng viên khi có người thân vi phạm, đặt hệ thống camera ở các điểm nút giao thông, luân chuyển thường xuyên lực lượng cảnh sát giao thông trên các tuyến tuần tra, đưa nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào tiêu chí bình xét gia đình, khu dân cư văn hóa… Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc và quyết liệt, nhiều kiến nghị mới cũng tiếp tục được Hội nghị đưa ra bàn thảo, đó là: giải quyết những bất cập, xuống cấp trên các tuyến giao thông; nâng mức xử phạt, vi phạm lần sau phạt nặng hơn lần trước để đủ sức răn đe; đào tạo và sát hạch để cấp giấy phép lái xe nên có sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông – Vận tải; tuyên truyền phải kết hợp giáo dục, coi vấn đề an toàn giao thông là nội dung giáo dục; tổ chức giao thông hợp lý chứ không đơn thuần là phải đường rộng; giải phóng vỉa hè, hình thành thói quen đi bộ để góp phần giảm thiểu số phương tiện tham gia giao thông; thực hiện cơ chế thưởng phạt nghiêm minh…

Ngay sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương ban hành quy định “không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa”, xử lý nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên. Bộ Công thương có biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, buôn bán các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm không đảm bảo quy chuẩn, chất lượng; kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai hoạt động giáo dục an toàn giao thông, văn hóa giao thông trong trường học. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và công bố tiêu chí về “Văn hóa giao thông”. Phó Thủ tướng đồng ý cho phép Bộ Công an sử dụng 30% trong tổng số 70% tỷ lệ trích lại từ kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT để bồi dưỡng cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.

Thẳng thắn

Cũng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông toàn quốc quý I-2012, một điểm khiến dư luận đặc biệt đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Trung ương đối với nhiệm vụ quan trọng bảo đảm an toàn giao thông là Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nghiêm khắc phê bình một số địa phương không có ban giám đốc công an tỉnh tham gia hội nghị lần này. Thứ trưởng Bộ Công an – Trung ướng Phạm Quý Ngọ đề nghị thống kê tỉnh, thành nào không có ban giám đốc công an tỉnh tham dự để nghiêm túc kiểm điểm phê bình.

Với tinh thần thưởng phạt nghiêm minh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công văn biểu dương 10 địa phương phấn đấu giảm nhiều người chết do tai nạn giao thông trong năm 2010 và năm 2011. Cụ thể là các tỉnh, thành phố: Dak Nông, Hải Dương, Hà Nam, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Bình, Dak Lak, Nghệ An, thành phố Hà Nội và TP.HCM. Thủ tướng cũng phê bình Trưởng ban An toàn giao thông 7 tỉnh, gồm: Bình Thuận, Cao Bằng, Bình Phước, Gia Lai, Long An, Phú Yên và Tây Ninh có số người chết do tai nạn giao thông tăng liên tục trong năm 2010 và năm 2011, đồng thời yêu cầu Ban An toàn giao thông 7 tỉnh trên kiểm điểm, rút kinh nghiệm,  tích cực, quyết liệt thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông. 

Là một trong những địa phương được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm của Dak Lak nhằm thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi toàn tỉnh. Kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông 2012” được Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành trên cơ sở xác định 6 nhiệm vụ đột phá, với những mục tiêu cụ thể như: giảm tối thiểu từ 5 % - 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương; 100 % xã, phường, thị trấn, các sở, ban, ngành đồng loạt ra quân và triển khai liên tục, có hiệu quả Năm An toàn giao thông năm 2012; xây dựng lộ trình và triển khai xóa cơ bản các “điểm đen” về an toàn giao thông. Những nỗ lực ấy cũng đã được trả lời bằng các con số cụ thể. Trong quý I – 2012, toàn tỉnh xảy ra 62 vụ tai nạn giao thông, làm 70 người chết, 39 người bị thương, hư hỏng 76 phương tiện giao thông các loại. So với cùng kỳ, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí (giảm 23 vụ, 19 người chết, 21 người bị thương). Tuy nhiên, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng thẳng thắn đánh giá kết quả kiềm chế tai nạn giao thông chưa thực sự vững chắc, tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, số người chết vẫn còn ở mức cao.

Dù còn nhiều việc phải làm nhưng sự quyết liệt, thái độ thẳng thắn trong chỉ đạo điều hành, đánh giá của các cấp từ Trung ương đến địa phương có thể nói là những điểm sáng để hy vọng tiếp tục giảm thiểu có hiệu quả tai nạn giao thông – vấn đề  đã được coi là quốc nạn ở Việt Nam.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.