Thực hiện quy định mặc áo phao khi đi đò: Chủ đò đối phó, hành khách thờ ơ!
Theo Thông tư 15/2012/TT-BGTVT: bắt đầu từ 15-7-2012, phương tiện vận tải hành khách qua sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, bảo đảm đáp ứng đủ số lượng cho tất cả mọi người được chở trên phương tiện. Tuy nhiên, các bến đò vẫn phớt lờ quy định này, còn khách đi đò cũng thực hiện mang tính chất đối phó.
Phớt lờ quy định
Tầm 10 giờ trưa, bến đò Buôn Trấp (huyện Krông Ana) tấp nập người qua lại, trung bình mỗi chuyến đò chở khoảng 10 đến 15 người, lúc cao điểm tới 30 người cùng với các phương tiện từ xe máy, xe đạp, xe công nông và khối lượng nông sản rất lớn. Bấy nhiêu tính mạng, vẫn ngang nhiên sang sông mà không có một người nào mặc áo phao, kể cả lái đò. Khi phóng viên đưa ống kính lên chụp, lái đò mới đưa vội áo phao cho khách, nhưng khách chỉ cầm trên tay cho có, hoặc dùng áo phao để che nắng, chứ không chịu mặc vào. Ngồi quan sát khoảng 30 phút, tình hình lại đâu vào đấy, áo phao xếp dọc trên đò, còn khách vẫn “mình trần” qua sông, bất chấp mọi nguy hiểm. Khi được hỏi vì sao không tuân thủ việc mặc áo phao, dụng cụ nổi khi đi đò, chị Lưu Thị Hà (thị trấn Buôn Trấp) cho biết: từ trước tới nay chị đi đò thường xuyên, không mặc áo phao cũng không ảnh hưởng gì, với lại qua sông chỉ mất khoảng 3 đến 5 phút, chưa kịp mặc vào thì đã phải cởi ra, mất thời gian. Trong khi đó, một bộ phận người dân lại chưa hề biết về quy định bắt buộc phải mặc áo phao khi đi đò nên nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về thông tư trên. Đối với lái đò, hầu hết biết rõ về quy định, nhưng lại phớt lờ hoặc làm ngơ, không thực hiện. Thông tư nêu rõ: chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao và bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Người lái có trách nhiệm từ chối chở những hành khách không mặc áo phao theo hướng dẫn; đồng thời chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi khách không mặc áo phao… Theo quan sát cho thấy: áo phao được các chủ đò trang bị chủ yếu để đối phó với lực lượng chức năng, chứ không vì mục đích bảo vệ tính mạng của người đi đò. Chẳng hạn, tại bến đò ngang ở xã Quỳnh Ngọc (huyện Krông Ana), mặc dù chủ đò đã bỏ tiền mua 30 chiếc áo phao mới toanh, nhưng tất cả số áo đó được buộc chặt, xếp ngăn nắp trong khoang đò, chẳng khác nào đồ vật dùng để trang trí.
Tất cả hành khách trên chuyến đò này không thực hiện quy định mặc áo phao. |
Vướng mắc trong xử lý vi phạm
Áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh là những dụng cụ bảo đảm an toàn về tính mạng cho hành khách khi qua sông trên các phương tiện vận tải đường thủy. Trước đây, việc trang bị, sử dụng áo phao mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, vận động, chứ chưa bắt buộc. Vì vậy, trên thực tế cả một thời gian dài, trên địa bàn cả nước xảy ra tình trạng không trang bị hoặc có trang bị nhưng hành khách không sử dụng các dụng cụ cứu sinh trên các đò, phà qua sông, dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Đơn cử như vụ lật thuyền trên sông Krông Nô (tỉnh Dak Nông) vào hồi tháng 3 vừa qua, làm chết 6 người; vụ lật đò ở sông Giồng Ông Tố (TP.Hồ Chí Minh), giữa tháng 4-2012, làm 4 người thiệt mạng… đó là những hồi chuông cảnh báo từ việc không trang bị áo phao cho khách đi đò. Thực tế cho thấy, một số chủ đò có nhắc nhở lái đò (làm thuê) về việc bắt buộc mặc áo phao, nhưng việc làm đó không thường xuyên, liên tục dẫn đến việc chấp hành mang tính đối phó, chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”. Ông Trần Hữu Tiến, chủ đò Buôn Trấp thừa nhận: do không có thời gian nên chủ phương tiện không thể thường xuyên giám sát mọi hoạt động tại bến đò, nhưng nếu phát hiện lái đò cố tình không chấp hành quy định, sẽ cho thôi việc.
Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Sở đã có văn bản đôn đốc các địa phương có bến đò ngang hoạt động nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền để chủ đò, lái đò và hành khách hiểu rõ và chấp hành đúng quy định của thông tư. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng như Ban An toàn giao thông tỉnh, cảnh sát giao thông thủy nội địa và các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các bến đò. Ông Chính cho biết thêm, tất cả các bến đò ngang trên địa bàn Dak Lak đều là bến đò tự phát, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoạt động nên cơ sở hạ tầng còn thiếu sự đầu tư, nhất là đường giao thông tại bến đò thường có độ dốc cao, rất bất tiện cho người và phương tiện khi lên xuống. Trong khi đó, việc quy hoạch mạng lưới vận tải đường thủy nội địa chưa được tỉnh triển khai nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm tại các bến đò.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc