"Tính mạng con người là trên hết"
Kể từ năm 2012, Ủy ban ATGT quốc gia đã quyết định triển khai thực hiện Năm ATGT trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu làm thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, qua đó góp phần hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng. Từ đó đến nay, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Dak Lak nói riêng, toàn quốc nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) hằng năm đều giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ, nhất là năm 2014 lần đầu tiên số người chết vì TNGT đã giảm xuống dưới 9.000 người/năm. Trong năm 2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ TNGT, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người (So với cùng kỳ năm 2013, TNGT giảm 4.063 vụ, 373 người chết và 5.083 người bị thương). Tại tỉnh Dak Lak, năm 2014 đã xảy ra 510 vụ TNGT, làm 258 người chết, 588 người bị thương (So với năm 2013, giảm 51 vụ, 34 người chết, 12 người bị thương). Mặc dù TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ, song theo đánh giá của các cơ quan chức năng, TNGT vẫn còn ở mức cao, đặc biệt vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô, để lại hậu quả to lớn cho xã hội. Trung bình mỗi ngày trôi qua, trên cả nước, TNGT đã cướp đi sinh mạng của 25 người và làm khoảng 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này ngoài sự thiếu ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông còn do sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu; lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm còn mỏng, chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục; chất lượng công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn bị buông lỏng...
Vì vậy, để mục tiêu giảm thiểu TNGT thực sự bền vững, thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, nhất là các hành vi vi phạm có nguy cơ gây TNGT cao; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến giao thông… Vì sự an toàn cho mình và cho mọi người, mỗi người trong chúng ta khi tham gia giao thông cần khắc ghi khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc