Quản lý xe máy cày tay tham gia giao thông: Còn nhiều bất cập
Toàn tỉnh hiện có 78.808 máy kéo nhỏ, theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg ngày 9-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông thì phương tiện này không thuộc diện tạm đình chỉ tham gia giao thông nhưng cần tăng cường biện pháp quản lý để bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc quy hoạch hệ thống đường gom, đường dành riêng cho phương tiện này ở các địa phương rất khó thực hiện vì thiếu quỹ đất, kinh phí cho giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, hiện nay một số xưởng cơ khí nhỏ ở các huyện, thị trấn tự ý cải tạo xe máy cày càng bằng cách chuyển đổi hệ thống lái bằng càng sang hệ thống lái bằng vô lăng. Việc cải tạo này không được cơ quan chuyên môn thiết kế, thẩm định, nghiệm thu; trái với Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, công tác phối hợp xử lý sai phạm này chưa được thực hiện đồng bộ, quyết liệt giữa các ngành có liên quan.
Một xe máy cày vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông. |
Những năm qua, Công an tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Đăng kiểm 47 01D và 47 02D thực hiện công tác kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe máy kéo nhỏ, còn khoảng 5.000 xe đến nay chưa được đăng ký, cấp biển số. Điều đáng nói là việc kiểm tra an toàn kỹ thuật của loại xe này còn rất hạn chế, chủ yếu là khâu kiểm tra nhận dạng kích thước hình học để làm thủ tục đăng ký cấp biển số chứ chưa cấp giấy chứng nhận đăng kiểm khi tham gia giao thông. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 35,3% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp có nhu cầu lớn trong việc sử dụng máy kéo nhỏ tham gia giao thông song đến nay, chương trình ưu tiên về quá trình đào tạo, sát hạch cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, tính từ năm 1995 đến nay, Sở Giao thông - Vận tải mới tổ chức đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe A4 (cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000 kg) .cho 10.077 trường hợp; nếu tính người có giấy phép lái xe trên đầu phương tiện thì chỉ đạt 16,33%, quá thấp so với lượng phương tiện đang lưu thông trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Y Puăt Tơr, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Tây Nguyên mới đây, người chưa được đào tạo, chưa có giấy phép lái xe A4 phần lớn là người dân tộc thiểu số ở ở vùng sâu, vùng xa, trình độ văn hóa, ý thức chấp hành Luật Giao thông còn hạn chế. Có những người không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông nên việc đào tạo lái xe A4 rất khó khăn. Tuy nhiên, do nhu cầu cuộc sống nên họ vẫn tham gia điều khiển phương tiện tham gia giao thông dù không đủ điều kiện. Mặc dù lực lượng công an đã tổ chức các đợt ra quân nhắc nhở, xử phạt nhưng do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên việc tuần tra kiểm soát chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe máy kéo nhỏ vẫn xảy ra mà lỗi một phần do những người điều khiển phương tiện này không nắm được luật, chưa có giấy phép lái xe A4. Từ năm 2012 đến nay, tai nạn giao thông do xe máy cày, xe độ chế gây ra đang có chiều hướng gia tăng với 33 vụ, làm 34 người chết, 15 người bị thương. Nguyên nhân của các vụ tai nạn này chủ yếu là ý thức kém của người điều khiển xe như: chạy nhanh, vượt ẩu, coi thường tính mạng người đi đường, xe không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn giao thông…
Nguyễn Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc