Thắt dây an toàn khi ngồi trên ôtô: Việc làm nhỏ - Lợi ích lớn!
Thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả nghiêm trọng; trong đó, có nhiều trường hợp người ngồi trên xe ôtô không thắt dây an toàn dẫn đến tử vong.
Điển hình như vụ TNGT xảy ra vào rạng sáng ngày 7-5-2017 giữa xe tải và xe khách trên Quốc lộ 14 (đoạn qua địa bàn thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai) làm 13 người chết, 32 người bị thương. Tại hiện trường cho thấy rất nhiều nạn nhân ngồi trên ôtô khách bị văng ra khỏi xe, dẫn đến tử vong. Hay như vụ TNGT xảy ra vào khoảng 12 giờ ngày 30-6-2017 giữa hai xe khách trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn xã Đăk Hrinh, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) làm 1 người tử vong và nhiều người văng ra khỏi xe bị thương nặng... Qua 2 vụ tai nạn trên thấy rằng nếu hành khách trên xe thắt dây an toàn thì hậu quả sẽ không nghiêm trọng như vậy!
Thực tế, đa số hành khách khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe ôtô chưa có ý thức khi thắt dây an toàn bởi cảm giác vướng víu. Thậm chí nhiều người không hề hay biết chiếc dây được thiết kế sát chỗ ngồi của mình là dây gì, cũng như tác dụng của nó. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng Khoa đào tạo lái xe cơ giới đường bộ kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên cho biết: “Việc thắt dây an toàn khi ngồi trên ôtô là việc tưởng chừng đơn giản nhưng đem lại sự an toàn rất cao cho người sử dụng bởi nếu chẳng may gặp sự cố bất ngờ thì cơ thể con người được giữ lại, tránh va đập với các bộ phận của xe, hạn chế được thương tích…”.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra lái xe ôtô tải trên Quốc lộ 26 (đoạn qua địa bàn xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc). |
Hiện nay, lực lượng chức năng chỉ xử phạt đối với người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ôtô không thắt dây an toàn. Tuy nhiên, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, kể từ ngày 1-1-2018, phạt tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn khi xe đang chạy và hành vi chở người trên ôtô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy. Như vậy, thay vì chỉ xử phạt người lái và người ngồi hàng ghế trước không thắt dây an toàn như hiện nay, quy định này sẽ áp dụng với tất cả vị trí có trang bị dây an toàn trên xe.
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), thời gian qua, việc sử dụng dây an toàn đối với người ngồi trên xe ôtô, đặc biệt là xe ôtô chở khách và xe giường nằm còn rất hạn chế. Hầu hết dây an toàn đều được buộc lại dưới gầm ghế, bị hỏng hoặc bị nhà xe gỡ bỏ. Trước mắt, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tài xế và hành khách nhận thấy sự cần thiết của việc thắt dây an toàn, tạo thói quen và nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đồng thời, trong quá trình tuần tra, kiểm soát sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lỗi này.
Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Đắk Lắk cho biết: Để triển khai có hiệu quả quy định mới này, Hiệp hội đã tổ chức tuyên truyền đến các hội viên, tổ chức tập huấn cho nhân viên hướng dẫn hành khách thắt dây an toàn khi ngồi trên xe khách…
Công dụng của dây an toàn trên xe ôtô đã rõ, vấn đề quan trọng là người tham gia giao thông trên các phương tiện cần phải nhận thức được sự cần thiết phải sử dụng dây an toàn khi tham gia giao thông, tránh đến mức thấp nhất những thương tích khi gặp sự cố trên đường.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, có đến 75% người lái xe bị văng ra khỏi xe do không thắt dây đai an toàn đều tử vong. Khi thắt dây đai an toàn đúng quy cách sẽ truyền phần lớn lực dừng thông qua các phần trên cơ thể như khung xương chậu, xương sườn. Lực này tác động vào nhiều điểm trên cơ thể nên không gây nhiều tổn thương và giảm được phần lớn các tác hại. |
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc