Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013

15:11, 14/07/2014

53. Xin cho biết nhiệm kỳ và nhiệm vụ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Hiến pháp năm 2013?

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Hiến pháp năm 2013 thì “nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội”.

- Khoản 2 Điều 105 Hiến pháp năm 2013 quy định “Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Chánh án các Tòa án khác do luật định”.

54. Việc bổ nhiệm, phê chuẩn, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của Thẩm phán và việc bầu, nhiệm kỳ của Hội thẩm được Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 105 Hiến pháp năm 2013 thì “việc bổ nhiệm, phê chuẩn, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của Thẩm phán và việc bầu, nhiệm kỳ của Hội thẩm do luật định”

55. Xin hãy cho biết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân?

Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

56. Thiết chế Viện Kiểm sát nhân dân được quy định như thế nào trong Hiến pháp năm 2013 và có khác biệt gì so với Hiến pháp 1992?

- Thiết chế Viện Kiểm sát nhân dân được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 107 như sau:

“1. Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

2. Viện Kiểm sát nhân dân gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện Kiểm sát khác do luật định.

3. Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.

- So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cho phù hợp với với mô hình Tòa án nhân dân và chủ trương cải cách tư pháp. Theo quy định của Hiến pháp mới, hệ thống Viện Kiểm sát được tổ chức không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà chỉ gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện Kiểm sát khác do luật định, không còn quy định một cách cụ thể như trước đây (gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương và các Viện Kiểm sát quân sự).

57. Xin cho biết nhiệm kỳ và nhiệm vụ của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định của Hiến pháp năm 2013?

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 108 Hiến pháp năm 2013 thì “nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội”.

- Khoản 2 Điều 108 Hiến pháp năm 2013 quy định “Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Viện trưởng các Viện Kiểm sát khác do luật định”.

58. Cơ chế hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân được quy định như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?

Điều 109 Hiến pháp năm 2013 quy định cơ chế hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân:

“1. Viện Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên; Viện trưởng các Viện Kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân”.

(Còn nữa)

Nguyễn Thị Thao


Ý kiến bạn đọc