Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp một số quy định pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2019

07:20, 25/07/2020

Hỏi: Tôi năm nay 28 tuổi đang làm việc cho công ty X. theo hợp đồng lao động có thời hạn từ tháng 8-2018 đến tháng 8-2021. Xin hỏi, đến tháng 8-2021 khi hết thời hạn, tôi chấm dứt hợp đồng với công ty X. thì tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

(Nguyễn Văn K.)

Trả lời: Tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 thì điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc như sau:

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của bộ luật này.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc".

Trong trường hợp này, bạn chấm dứt hợp đồng lao động với công ty X. do hết hạn hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019, vì vậy bạn sẽ được nhận trợ cấp thôi việc dựa trên thời gian bạn làm việc tại công ty từ tháng 8-2018 đến tháng 8-2021, trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Hỏi: Tiền lương là gì? Đề nghị cho biết Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như thế nào về mức lương tối thiểu?

(Lê Thanh N.)

Trả lời: Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 quy định tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Hỏi: Em trai tôi làm thợ mộc cho một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn thành phố B. Trong quá trình làm việc, em trai tôi đã vi phạm hợp đồng lao động do thường xuyên tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng nên chủ cơ sở sản xuất đã thông báo cho em trai tôi ngừng việc trong thời gian tới. Vậy, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì em trai tôi có được trả lương hay không?

(Trần Hương M.)

Trả lời: Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 quy định trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

“1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”.

Như vậy, theo quy định trên thì em trai của bạn đã vi phạm hợp đồng lao động nên lỗi được xác định là của em trai bạn, vì vậy em trai bạn sẽ không được trả lương ngừng việc.

(Còn nữa)

Văn Thị Phương Linh (Sở Tư pháp)

 

 


Ý kiến bạn đọc