Hỏi - đáp một số quy định pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2019 (tiếp theo)
11:49, 16/08/2020
[links(left)]
Hỏi: Trong tháng 7-2020, chị gái tôi làm công nhân ở nhà máy sản xuất nước ép X. đã mắc nhiều lỗi trong công việc: theo ghi nhận của máy chấm công, chị đi làm muộn 7 ngày, với hành vi này theo nội quy công ty chị sẽ bị phạt khiển trách; trong quá trình làm việc đã trộn sai tỷ lệ nguyên liệu dẫn đến làm hỏng một lô nước ép, gây thiệt hại cho nhà máy, với lỗi này theo quy định chị sẽ bị trừ tiền lương để khắc phục hậu quả và điều chuyển sang một công việc khác. Vậy, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì chị gái tôi có phải nhận tất cả các hình thức kỷ luật với lỗi mình gây ra không?
(Hoàng Văn H.)
Trả lời: Tại Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động như sau:
“1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;
d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
6. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động”
Theo quy định trên chị gái bạn đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động: đi muộn, trộn sai tỷ lệ nguyên liệu dẫn đến làm hỏng một lô nước ép thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất là trộn sai nguyên liệu, chị sẽ bị trừ tiền lương để khắc phục hậu quả và điều chuyển sang một công việc khác và không bị phạt khiển trách.
Hỏi: Xin cho biết theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì có những hình thức xử lý kỷ luật lao động nào?
(Lê Thị M.)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 thì có 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động, bao gồm:
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.
Hỏi: Tôi năm nay 30 tuổi, là lao động nữ đang làm việc tại công ty sản xuất bánh kẹo X. trên địa bàn huyện Y. Tôi được biết Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều chính sách đảm bảo công bằng đối với lao động nữ. Vậy, xin cho biết các chính sách riêng đối với lao động nữ theo quy định của pháp luật?
(Nguyễn Thị H.)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 thì Nhà nước có những chính sách riêng đối với lao động nữ như sau:
1. Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
2. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.
3. Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.
4. Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế.
5. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.
(Còn nữa)
Văn Thị Phương Linh (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc